Nhật xây căn cứ radar gần quần đảo tranh chấp với Trung Quốc
(Dân trí) - Nhật Bản sẽ đưa 100 binh sĩ và radar tới một hòn đảo ở cực tây nước này, trong một động thái có thể khiến Trung Quốc nổi giận, giữa lúc quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á lạnh nhạt vì một quần đảo gần đó mà 2 nước đều tuyên bố chủ quyền.
Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Kế hoạch đưa binh sĩ tới Yonaguni - hiện chỉ được 2 cảnh sát bảo vệ - là một phần trong kế hoạch lâu dài của Tokyo nhằm cải thiện phòng thủ và giám sát tại khu vực biên giới của Nhật Bản.
Việc xây dựng căn cứ radar trên hòn đảo, vốn nằm gần Trung Quốc hơn nhiều so với các đảo chính của Nhật, có thể mở rộng sự giám sát của Tokyo đối với đất liền Trung Quốc và theo dõi các tàu, máy bay của Trung Quốc lượn lờ quanh Senkaku/Điếu Ngư.
“Chúng tôi quyết định triển khai một đơn vị của Lực lượng phòng vệ mặt đất tới đảo Yonaguni như một phần của các nỗ lực nhằm đẩy mạnh giám sát khu vực tây nam”, Bộ trưởng Onodera cho hay. “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ đảo Yonaguni, một phần lãnh thổ quý giá của Nhật Bản”.
Việc triển khai quân tới Yonaguni phản ánh các lo ngại của Nhật về các mối nguy hiểm đối với hàng nghìn hòn đảo của Nhật và mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc.
“Căn cứ mới cho phép Nhật có khả năng mở rộng sự giám sát tới gần đất liền Trung Quốc”, ông Hegio Sato, một giáo sư tại Đại học Takushoku và cựu chuyển gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc phòng quốc Nhật Bản, nhận định.
“Nó sẽ cho phép cảnh báo sớm về các tên lửa và tăng cường giám sát các động thái quân sự của Trung Quốc”, ông Sato nói thêm.
Chiến lược bảo vệ đảo xa
Nhật Bản không nhắc tới một kẻ thù cụ thể khi thảo luận chiến lược bảo vệ các đảo xa. Nhưng chuyện Tokyo thường xem Bắc Kinh là mối đe dọa không có gì là bí mật, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh và trở thành một cường quốc quân sự châu Á để “đấu” với Mỹ - một đồng minh của Nhật.
Trong tài liệu “Hướng dẫn chương trình phòng thủ quốc gia” hồi tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã bày tỏ “lo ngại lớn” về sự tăng cường quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, các mục tiêu an ninh không rõ ràng của nước này, và “các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng bằng áp bức” cả ở trên không lẫn trên biển, và “các hành động nguy hiểm” như tuyên bố đơn phương về vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông.
Chiến lược bảo vệ đảo xa của Nhật, được ghi trong tài liệu, là nhằm “chặn đứng và đánh bại bất kỳ cuộc xâm lược nào bằng cách đảm ảo ưu thế trên biển và trên không”, với các cuộc triển khi nhanh chóng các binh sĩ bổ sung được bố trí từ trước.
“Trong trường hợp bất kỳ đảo xa nào bị xâm lược, Nhật Bản sẽ giành lại nó. Để làm được điều đó, bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình hay đạn đạo này cũng cần phải được đối phó thích hợp”, tài liệu viết.
Lễ khởi công của Bộ trưởng quốc phòng Onodera diễn ra chỉ 4 ngày trước khi Tổng thống Barack Obama tới Tokyo để có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Shinzo Abe, chuyến thăm Nhật cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Mỹ trong 18 năm qua.
Đảo Yonaguni, nằm ở mũi phía tây của chuỗi đảo tây nam của Nhật, thực tế nằm gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, vốn là điểm nóng đáng lo ngại trong chiến lược biển đảo của Nhật.
Các tàu bảo vệ bờ biển và hải quân của Nhật Bản và Trung Quốc thường xuyên chạm trán nhau quanh Senkaku/Điếu Ngư kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo hồi tháng 9/2012.
Theo Bộ quốc phòng Nhật, chiến đấu cơ nước này đã xuất kích kỷ lục 415 lần trong năm qua tính tới tháng 3/2014 để chặn các máy bay Trung Quốc, tăng 36% so với năm trước.
Trước các lo ngại đó, Thủ tướng Nhật Abe đã tăng chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2013 lần đầu tiên trong 11 năm qua. Ông Abe cũng đẩy mạnh khả năng của Nhật nhằm bảo vệ các đảo bằng một đơn vị hàng hải mới, nhiều máy bay tầm xa, các tàu tấn công đổ bộ và tàu sân bay trực thăng.
Mặc dù diện tích đất của Nhật Bản nhỏ hơn California, nhưng với hàng nghìn đảo, nước này có bờ biển dài gần 30.000 km để bảo vệ.
Tổng hợp