Nhật và Biển Đông: Shinzo Abe quyết liệt!
Thứ Ba ngày 29-3-2016, Chính phủ Nhật đã chuẩn y ngân sách quốc phòng kỷ lục 44 tỉ USD khi Luật Quốc phòng mới bắt đầu có hiệu lực, cho phép Nhật được tham chiến bảo vệ đồng minh Mỹ lần đầu tiên từ sau Thế chiến II. Đây là một chiến thắng chính trị và là dấu ấn đáng kể trong nhiệm kỳ thủ tướng của Shinzo Abe.
Tái nhận thức
Không nguyên thủ Đông Nam Á nào quyết liệt bằng Shinzo Abe trong chính sách an ninh đối mặt Trung Quốc. Abe đã vượt qua rào cản lớn nhất trong tái cấu trúc quân đội và điều chỉnh chính sách quốc phòng: Điều 9 Hiến pháp, vốn quy định Nhật phải từ bỏ chiến tranh, không sử dụng và đe dọa vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế và tuyên bố từ bỏ quyền duy trì lực lượng vũ trang.
Sau Thế chiến II, Nhật Bản chỉ có một lực lượng cảnh sát nhỏ để bảo vệ an ninh nội địa. Đến năm 1950, khi các binh sĩ Nhật tham gia cuộc chiến Triều Tiên, Nhật về cơ bản là không có khả năng tự vệ. 4 năm sau, Tokyo thành lập một lực lượng bán quân sự: Cục Phòng vệ. Luật pháp Nhật Bản quy định Lực lượng Phòng vệ chỉ được sử dụng để phòng thủ, hạn chế triển khai ở nước ngoài và ngăn cản hợp tác phát triển vũ khí với các nước.
Từ khi tái đắc cử thủ tướng tháng 12-2012, Shinzo Abe quyết liệt thay đổi Điều 9 Hiến pháp. Tháng 9-2015, hàng chục ngàn người tụ tập trước Quốc hội, có lúc dưới cơn mưa tầm tã, để biểu tình phản đối Abe. Ngày 17-9-2015, dù vấn đề được tranh cãi gay gắt nhưng cuối cùng luật điều chỉnh an ninh quốc phòng cũng được Quốc hội thông qua. Trong thực tế, từ sau Chiến tranh lạnh, Tokyo đã nới rộng chính sách quốc phòng, từ việc bảo vệ các hòn đảo chính đến việc canh phòng những hòn đảo nhỏ xa xôi như Yonaguni, nằm ngoài khơi Đài Loan, cách Tokyo gần 2.000km.
Những thay đổi trong chính sách quốc phòng Nhật có thể bắt đầu từ sau khi Liên Xô sụp đổ, khi trật tự an ninh Đông Á cùng sự hiện diện quân sự Mỹ tại Tây Thái Bình Dương trở nên không rõ ràng. Tháng 8-1990, chưa đầy một năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Saddam Hussein tấn công Kuwait. Tokyo từ chối tham gia chiến dịch quân sự nhằm vào Iraq và chỉ đóng góp tài chính (13 tỉ USD). Điều này khiến quan hệ Washington - Tokyo lạnh nhạt.
Năm 1998, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo qua đảo Honshu. Cùng mối đe dọa Bình Nhưỡng, sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc buộc Nhật phải nhìn lại khả năng quốc phòng của họ. Tokyo cần đồng minh và trên hết, cần điều chỉnh lại chính sách “quốc phòng hòa bình”.
Tái điều chỉnh
Sau sự kiện 11-9-2001, Thủ tướng Junichiro Koizumi khiến người Nhật ngạc nhiên khi ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Không thể đưa quân tham chiến trực tiếp bởi lệnh cấm của Hiến pháp, Koizumi đưa Lực lượng Phòng vệ Nhật đến Ấn Độ Dương hỗ trợ hoạt động quân sự của đồng minh tại khu vực. Koizumi cũng đưa công binh Nhật đến Iraq vào tháng 2-2004 và gửi một nhóm không quân tham gia chiến dịch không vận từ Kuwait sang Iraq. Từ năm 2002 đến 2009, Tokyo viện trợ 1,4 tỉ USD cho Afghanistan.
Di sản Koizumi được mở rộng khi Shinzo Abe kế nhiệm năm 2006. Abe thúc đẩy loạt luật mới cho phép hợp tác an ninh rộng hơn với các đồng minh; xem xét lại luật cấm đưa quân đội Nhật ra nước ngoài; đề xuất thành lập hội đồng an ninh quốc gia; hiện đại hóa bộ máy tình báo. Tuy nhiên, 1 năm sau, Abe từ chức khi đảng Dân chủ Tự do mất quyền kiểm soát Quốc hội. Tham vọng Abe trong việc thay đổi chính sách quốc phòng vẫn chưa thực hiện được.
Khi đảng Dân chủ lên nắm quyền Hạ viện năm 2009, Thủ tướng Yukio Hatoyama gạt bỏ chương trình cải cách quốc phòng của Abe. Tin rằng tương lai Nhật phụ thuộc châu Á chứ không phải Mỹ, Hatoyama thay đổi chính sách đối ngoại với Mỹ (dự tính dời một căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa) đồng thời chuyển trục sang Bắc Kinh và Seoul.
1 năm sau, Naoto Kan thay Hatoyama và tiếp tục chính sách nhích gần Bắc Kinh. Sự kiện sóng thần 2011 và cuộc khủng hoảng lò hạt nhân Fukushima khiến Naoto Kan từ chức vào tháng 9-2011, để ghế thủ tướng lại cho Yoshihiko Noda. Không như Naoto Kan và Yukio Hatoyama, Noda tái lập quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ. Ông đồng ý mua chiến đấu cơ F-35 và nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Noda cũng tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông còn quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc chuỗi đảo Senkaku.
Khi thay Noda vào tháng 12-2012, Shinzo Abe còn làm nhiều hơn thế. Tháng 11-2013, Abe vận động Quốc hội chuẩn y thành lập Hội đồng An ninh quốc gia. Cố vấn thân cận của ông, Shotaro Yachi, được chọn làm giám đốc, với các chuyên gia từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Abe yêu cầu Hội đồng an ninh soạn một chiến lược An ninh quốc gia với chương trình hành động 5 năm. Tháng 4-2014, Tokyo kết thúc lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và tuyên bố cùng phát triển vũ khí với nước ngoài. Tháng 7-2014, Nội các Nhật Bản diễn dịch lại Điều 9 Hiến pháp để cho phép Nhật tham gia các chiến dịch phòng vệ tập thể.
Động thái này đặt nền tảng cho Lực lượng Phòng vệ sử dụng vũ lực ở nước ngoài để bảo vệ đồng minh ngay cả khi Nhật không bị tấn công. Quan trọng nữa là kế hoạch tái cấu trúc để tăng cường khả năng quân đội. Ngân sách quốc phòng Nhật tăng dần. Abe tái cam kết kế hoạch mua 42 chiếc F-35, loan bố ý định mua 17 chiếc trực thăng Osprey và 52 tàu tấn công đổ bộ; đóng 2 tàu khu trục mới, tăng số tàu ngầm lên 22 chiếc diesel hiện đại, mua 3 máy bay do thám loại hiện đại nhất, khoảng 20 máy bay tuần tra, nâng cấp hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo và vệ tinh quốc phòng…
Tokyo cũng thiết lập hệ thống quốc phòng tại chuỗi đảo Tây Nam; dựng radar tại đảo Yonaguni (gần Đài Loan, cách Senkaku 150 km; lễ khánh thành trạm radar này được tổ chức ngày 28-3-2016); xây căn cứ tại 3 đảo khác. Đến năm 2020, theo Foreign Affairs (số tháng 3 và 4-2016), Abe sẽ đưa 550 quân lên Amami Oshima, đảo lớn nhất giữa Kyushu và Okinawa; trong khi thời điểm hiện tại các căn cứ quân sự tại Ishigaki và Miyako (gần chuỗi Senkaku) đã hình thành. Tổng cộng có khoảng gần 10.000 quân Nhật đóng tại các đảo ở phía đông, cùng hệ thống tên lửa đối không lẫn tàu chiến.
Tháng 8-2015, chiếc khu trục hạm khổng lồ thứ hai lớp Izumo đã được hạ thủy. Không chỉ điều chỉnh và tái cấu trúc chương trình an ninh quốc phòng trong nước, Abe còn đi vận động thế giới. Từ năm 2013, Abe đã thực hiện hơn 40 chuyến công du, đến Canberra, Singapore, Washington D.C., Hà Nội…
Tái thiết kế an ninh châu Á
Tất cả cho thấy một sự thay đổi rất lớn đối với Nhật, quốc gia trong suốt thời gian dài từng nổi tiếng như một cường quốc kinh tế và chỉ biết kinh doanh - sản xuất. Thời Chiến tranh lạnh, xét về an ninh quốc phòng, Nhật chỉ có mỗi đồng minh Mỹ. Abe bây giờ mở rộng tối đa quan hệ với khu vực. Ông khôn ngoan đánh mạnh vào mặt trận “ngoại giao - quốc phòng” bằng cách tổ chức các cuộc đối thoại an ninh, bắt đầu từ năm 2007 với Australia, Ấn Độ và Mỹ; tạo ra một liên kết chặt chẽ. Không như những người tiền nhiệm khi mà đối ngoại chỉ thuần túy là quan hệ ngoại giao, Abe tạo ra một sự hợp tác an ninh như là cốt lõi trong quan hệ đối ngoại.
Đối tác thân cận nhất của Nhật tại khu vực là Australia. Năm 2014, hai nước đã ký thỏa ước chia sẻ thông tin và kỹ thuật quốc phòng. Tháng 11-2015, Tokyo đề nghị đóng tàu ngầm cho Hải quân Hoàng gia Australia. Đối tác cần ưu tiên nữa của Abe là Ấn Độ. Ông và Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố hai nước là “đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt”. Cùng Mỹ, Nhật đã tham gia cuộc tập trận Malabar do Ấn tổ chức năm 2015. Nhật và Ấn đang thảo luận việc New Delhi có thể mua tàu ngầm và máy bay cứu nạn của Nhật, giúp Ấn tuần tra tốt hơn tại khu vực Đông Ấn Độ Dương, nơi tàu Trung Quốc ngày càng nhung nhúc.
Abe thực hiện chiến lược ngoại giao tương tự với các nước ASEAN. Năm 2015, Tokyo đã ký đối tác chiến lược với Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam (tặng 6 tàu tuần tra cho Việt Nam, bán 3 tàu cho Indonesia, cho Philippines vay tiền mua 10 tàu tuần tra và máy bay tuần tra). Tháng 5-2015, Nhật và Philippines lần đầu tiên tổ chức tập trận.
Shinzo Abe thậm chí còn với tay đến châu Âu. Năm 2014, ông chính thức gắn kết với NATO bằng “chương trình hợp tác và đối tác riêng”, đồng thời ngỏ ý tham gia một tập đoàn vũ khí sản xuất tên lửa của NATO. Quan hệ quốc phòng song phương với Pháp và Anh cũng được Abe thắt chặt - bằng thỏa ước chuyển giao công nghệ và thiết bị quân sự với Pháp; hợp tác sản xuất thiết bị quốc phòng với Anh. Quan trọng nhất vẫn là với Mỹ. Tháng 4-2015, Tokyo và Washington đã nâng cấp quan hệ lần đầu tiên kể từ năm 1997 khi tuyên bố hợp tác sâu rộng hơn về an ninh hàng hải.
Dù tỷ lệ dư luận chống đối vẫn còn khá cao (cuộc thăm dò của báo Mainichi Shimbun mới đây cho thấy có hơn 45% ý kiến cho rằng luật quốc phòng cải cách là vi hiến) nhưng giới chiến lược gia (nhà báo Yoichi Funabashi, cựu viên chức ngoại giao Kuni Miyake, nhà nghiên cứu chính trị Koji Murata…) đều tin rằng Shinzo Abe đang làm đúng, đặc biệt trong tình hình an ninh khu vực ngày càng cực kỳ bất an với sự điên cuồng bành trướng của Trung Quốc.
Xét về lâu dài, những gì Shinzo Abe làm sẽ tạo ra một cán cân đối trọng với Trung Quốc và đặc biệt giữ cho sự cân bằng quyền lực của châu Á....
Theo M.Kim
PetroTimes