1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nhật - Trung thêm giá lạnh với "Sách trắng"

Cuối tuần trước, Nhật công bố trên một số phương tiện truyền thông hai “Sách trắng” về quốc phòng và thương mại quốc tế. Nội dung hai “Sách trắng” này cho thấy quan hệ Nhật - Trung vẫn chưa thể êm ả.

Theo đặc phái viên của Itar - Tass tại Nhật, Vasili Golovnin, nội các Chính phủ Nhật ngày 1/7 đã chính thức thông qua Sách trắng về kinh tế và thương mại quốc tế năm 2005, trong đó có những công kích mạnh mẽ về phía Trung Quốc (TQ).

 

Nhà báo cho biết tuy nội dung Sách trắng chưa được công bố đầy đủ, nhưng theo một số trích đoạn, Tokyo kêu gọi doanh nhân Nhật đừng để quá bị cuốn hút vào chuyện đầu tư vào TQ.

 

Lý do theo Sách trắng, các hiểm họa đang ngày càng tăng với các doanh nhân nước ngoài tại đấy. Cụ thể là "việc ăn cắp hàng loạt công nghệ nước ngoài để chế tạo các sản phẩm nhái với qui mô chưa từng có".

 

Hãy tìm nơi khác làm ăn!

 

Sách trắng cũng tiên đoán là trong thời gian gần TQ sẽ bị đình đốn sản xuất do tiền lương tăng, đồng thời những vấn đề liên quan tới cung ứng năng lượng cũng sẽ nổ ra.

 

Hiểm họa còn rình rập trong sự bất ổn xã hội liên quan tới khoảng cách ngày càng tăng trong thu nhập giữa một số vùng phồn vinh với những vùng sâu TQ, nơi tỉ lệ thất nghiệp cao; trong các cải cách khu vực quốc doanh.

 

Tokyo cũng không quên tình trạng vệ sinh kém cỏi tại TQ, nhắc lại dịch hô hấp cấp (SARS) làm thế giới kinh hoàng. Sách trắng cũng nhắc lại các "hiểm họa đặc biệt cho người Nhật" hồi tháng tư vừa qua, khi trên những thành phố lớn TQ xảy ra những cuộc biểu tình chống Nhật.

 

Chiến dịch “mua chuộc TQ” đã thất bại

 

Các công kích này, theo nhà báo Golovnin, thật sự làm "nhiều chuyên gia sửng sốt", những người đã quen với việc chính quyền Nhật “hoặc nói tốt về TQ hoặc không nói gì”. Từ đầu thập niên 1970, chính quyền Nhật đã cố gắng bằng mọi cách hòa hoãn với TQ và đưa TQ vào chiến lược an ninh của họ nhằm kiềm chế Liên Xô trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Việc "đầu tư" được đặt cược bằng tiền: Nhật biến TQ thành một trong những người vay tín dụng trả chậm với số tiền lên tới hơn 30 tỉ USD. Chính bằng số tiền này mà TQ xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, phần nào là cơ sở cho "điều kỳ diệu TQ".

 

Các khoản tín dụng này kéo theo nhiều đầu tư tư nhân trị giá hàng tỉ USD, tạo nên những cú đột phá trong thương mại hai nước.

 

Năm 2004 khối lượng mậu dịch song phương Nhật - Trung lên tới gần 180 tỉ USD. Để so sánh: trao đổi hàng hóa Nga - Nhật trong cùng năm chỉ gần 9 tỉ USD. TQ trở thành đối tác thương mại chính của Nhật, vượt qua cả Mỹ.

 

Thế nhưng chiến lược "mua chuộc TQ" đã thất bại. Bắc Kinh "xoa tay" sử dụng tiền và công nghệ Nhật nhưng lại ngăn chặn những nỗ lực của Tokyo tăng cường ảnh hưởng ở châu Á và trên thế giới nói chung.

 

Chiến lược của TQ ngày càng lộ rõ: TQ muốn Nhật tiếp tục là một đất nước kinh tế phát triển, nhưng lại là một cường quốc hạng hai, không có vai trò đặc biệt trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Về lâu dài, Bắc Kinh muốn Nhật trở thành người cung ứng công nghệ và mua hàng của TQ, không cách nào qua mặt TQ.

 

Chính vì thế mà TQ đòi hỏi

 

Tokyo phải "ăn năn không dứt" vì những lỗi lầm của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ, xem tất cả những gì các lãnh đạo Nhật từng nói hoặc công khai xin lỗi là không đầy đủ.

 

Bắc Kinh cũng đã tổ chức thành công cuộc vận động quốc tế kêu gọi tẩy chay những nỗ lực của Nhật trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

 

Quan hệ giữa hai láng giềng này càng thêm căng thẳng dưới thời Thủ tướng Koizumi, vì các cố vấn của ông Koizumi từng lên án TQ can thiệp vào công việc nội bộ Nhật. Từ năm 2001, hai nước gần như đình hoãn việc viếng thăm ở cấp cao.

 

Trong Sách trắng, chính quyền thuyết phục các doanh nhân Nhật rằng "chẳng có gì xấu nếu không mở các xí nghiệp ở TQ mà là ở ASEAN hay ở Ấn Độ, nơi tiền công lao động không cao mà hiểm họa chính trị lại ít hơn". Trong số các nước mà chính quyền kêu gọi doanh nhân hướng tới còn có Nga.

 

Tuy nhiên, theo tác giả Golovnin trong kết thúc bài báo, "mặc cho các lập luận của Chính phủ Nhật đang muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào TQ, cũng như mặc các bất đồng chính trị giữa hai nước, hiện TQ tiếp tục là nước hấp dẫn nhất cho doanh nhân Nhật.

 

Cuộc thăm dò do Yomiuri Shimbun thực hiện trên 100 công ty Nhật hàng đầu cho thấy không một công ty nào muốn đóng cửa tại TQ".

 

Coi chừng mối đe dọa TQ!

 

Hai tờ Nhân Dân Nhật Báo và Trung Hoa Nhật Báo của TQ ngày 4/7 lại chú trọng vào Sách trắng quốc phòng của Nhật mà một số chi tiết được nhật báo Nhật Yomiuri Shimbun công bố ngày 2/7.

 

Theo Trung Hoa Nhật Báo, Sách trắng Nhật năm nay "dành nhiều chi tiết hơn cho quan hệ với TQ so với các năm trước", trong đó khẳng định Nhật cần phải đáp trả lại việc gia tăng chi tiêu quốc phòng của TQ.

 

Sách trắng cũng kêu gọi Nhật phải cảnh giác trước sự gia tăng không ngừng ngân sách quân sự của TQ và phải thích ứng với chiến lược quốc phòng tích cực của TQ. Sách trắng cũng nhắc Chính phủ Nhật phải lưu tâm hơn tới động thái của các tàu chiến TQ.

 

Tờ Trung Hoa Nhật Báo thì viết: "Tài liệu (Sách trắng) chỉ ra rằng phần chi tiêu quân sự của TQ đã tăng nhanh hơn mức tăng GDP, với tỉ lệ 10% trong 17 năm liên tiếp... Có thêm chương về an ninh hàng hải ở Đông Á.

 

Sách trắng nói TQ cũng đang tích cực củng cố năng lực đi biển của thủy quân để phát triển việc khai thác dầu khí trên biển. Sách trắng cũng bày tỏ lo âu về nạn cướp biển ở eo Malacca và nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh hàng hải ở Đông Nam Á".

 

Không công bố thêm chi tiết về nội dung Sách trắng quốc phòng (sẽ được đưa ra thảo luận trong Chính phủ Nhật vào đầu tháng tám), hai tờ báo nêu trên đã chỉ trích các nội dung của Sách trắng này.

 

Tờ Trung Hoa Nhật Báo nói: "Đây là lần đầu tiên tham vọng của Nhật thọc vào vùng Malacca nhân danh chống cướp biển được nêu rõ trong Sách trắng quốc phòng", và "khi nói Nhật phải cảnh giác trước hoạt động của các tàu chiến TQ, rõ ràng Sách trắng đã coi TQ là mối đe dọa cho an ninh hàng hải trong khu vực".

 

Trung Hoa Nhật Báo bình luận: "Những từ như “cảnh giác” và “lưu tâm” rất bắt mắt trong Sách trắng. Hiển nhiên là thiếu những đề nghị đối thoại giữa hai láng giềng".

 

Tờ báo này thông báo thêm: "Vào tháng sáu, quan chức phụ trách phòng vệ Nhật Yoshinori Ohno đã yêu cầu TQ làm rõ những phát triển quân sự của mình. Yêu cầu này là xấc láo vì Nhật cũng không tiết lộ những bố trí quân sự của mình. Nhật đang dùng cách tiếp cận đơn phương trong giải quyết những tranh cãi với TQ".

 

Theo Duy Văn

Tuổi trẻ/Kommersant, China Daily, People Daily

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm