1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật thừa nhận tồn tại thỏa thuận vũ khí hạt nhân bí mật với Mỹ

(Dân trí) - Một ủy ban do chính phủ Nhật bổ nhiệm ngày hôm nay đã chính thức khẳng định sự tồn tại của các thỏa thuận bí mật thời Chiến tranh Lạnh giữa Nhật và Mỹ về vũ khí hạt nhân và các vấn đề khác. Thừa nhận kết thúc hàng thập kỷ phủ nhận của Tokyo.

 
Nhật thừa nhận tồn tại thỏa thuận vũ khí hạt nhân bí mật với Mỹ - 1
Ngoại trưởng Katsuya Okada.

Mặc dù các tài liệu được giải mật của Mỹ từ lâu đã khẳng định sự tồn tại của các thỏa thuận vào những năm 1960, nhưng hôm nay chính phủ Nhật mới lần đầu tiên xác nhận sự tồn tại của chúng.

 

Ủy ban điều tra do chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama thành lập là một phần trong cam kết mà ông Hatoyama đưa ra khi tranh cử. Ông đã hứa sẽ xây dựng một chính phủ cởi mở hơn. Nhiều năm trước đây chính phủ Nhật do những người thuộc phe bảo thủ nắm quyền và họ luôn phủ nhận sự tồn tại của các thỏa thuận hạt nhân trên.

 

Trong số những thỏa thuận bí mật trên, ủy ban điều tra cũng thừa nhận có một thỏa thuận ngầm cho phép tàu chiến hạt nhân của Mỹ vào hải cảng của Nhật Bản. Như vậy thỏa thuận đã vi phạm các nguyên tắc thời hậu chiến của Nhật, đó là không sản xuất, sở hữu hay cho phép vũ khí hạt nhân vào nước này.

 

“Thật đáng tiếc là những thỏa thuận như thế không được tiết lộ cho công chúng trong suốt một thời gian dài, thậm chí là sau khi đã kết thúc Chiến tranh Lạnh”, Ngoại trưởng Katsuya Okada cho biết trong một cuộc họp báo.

 

Ông cũng cho biết thêm, có khả năng trước năm 1991, khi Mỹ ngừng mang vũ khí hạt nhân nhằm chuẩn bị cho các cuộc chiến, các tàu của Mỹ có thể đã mang vũ khí hạt nhân khi chúng tiến vào hải phận hoặc hải cảng Nhật.

 

Đồn đoán về việc tồn tại các thỏa thuận bí mật trên đã râm ran khắp Nhật suốt nhiều năm qua, vì vậy tiết lộ hôm nay của ủy ban điều tra có vẻ không làm người Nhật thấy bất ngờ. Nhưng chắc chắn nó sẽ khiến niềm tin vào các chính quyền cũ bị giảm sút mạnh. Và điều này có thể giúp cho chính phủ của Thủ tướng Hatoyama, vốn đang bị mất uy tín trước cuộc bầu cử thượng viện vào mùa hè này.

 

Ngoại trưởng Okada cho biết cuộc điều tra không ảnh hưởng tới liên minh an ninh Mỹ - Nhật, mà theo đó gần 50.000 quân Mỹ hiện đang đồn trú tại Nhật. Mỹ có nghĩa vụ phải phản ứng trước các cuộc tấn công nhằm vào Nhật, bảo vệ Nhật dưới chiếc ô hạt nhân của nước này.

 

Mối quan hệ giữa Tokyo và Washington đã trở nên căng thẳng kể từ khi ông Hatoyama lên nắm quyền vào tháng 9 năm ngoái, bởi tranh cãi liên quan đến việc tái “định cư” cho một sân bay lớn của hải quân Mỹ trên đảo Hatoyama, miền nam Nhật.

 

Theo ông Okada, mục đích của cuộc điều tra là nhằm lấy lại niềm tin của công chúng Nhật đối với chính phủ. Kể từ sau khi trở thành nước duy nhất trên thế giới phải hứng chịu bom hạt nhân, người Nhật rất ác cảm với vũ khí hạt nhân.

 

Phan Anh

Theo AP