1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật tăng chi quốc phòng "chưa ăn thua" với TQ

Tăng ngân sách quốc phòng lên cao chưa từng có nhưng theo giới phân tích đây chưa phải là mức cuối, cũng không phải là bước sau cùng của Thủ tướng Abe.

Như chúng ta đã biết, ngày 14/1 vừa qua Chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông qua Ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2015 (tính từ 1/4). Con số của năm nay là 4980,1 tỷ Yên (khoảng 42 tỉ USD), tăng 2% so với năm trước và vượt qua kỷ lục 4960 tỷ Yên của năm 2002, cao nhất từ trước đến nay.

Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe tăng ngân sách dành cho quân sự. Mặc dù là mức cao chưa từng có nhưng theo giới phân tích đây chưa phải là mức cuối, cũng không phải là bước sau cùng của “sự trở lại” đầy quả đoán mà Chính phủ Nhật Bản hiện nay đang thực hiện.

Kế hoạch bài bản

Nếu theo dõi kỹ các động thái gần đây của Chính phủ Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy việc tăng ngân sách quốc phòng lần này không có gì đáng phải ngạc nhiên. Mà nó chỉ đơn giản là bước tiếp theo của một kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng với những “lớp lang” bài bản mà khởi đầu là bài diễn văn đầy thuyết phục của ông Abe tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi cuối tháng 5 năm ngoái.

Tại đây, ông Abe nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, không một nước nào có thể đơn độc mà gìn giữ được hòa bình”. Đây vừa là tuyên ngôn cho chính sách mới vừa là “hòn đá thăm đường” để nắm bắt dư luận trong và ngoài nước đối với việc Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự.

Nhật Bản vừa tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục (ảnh: Xinhua-Yonhap News)
Nhật Bản vừa tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục (ảnh: Xinhua-Yonhap News)

Tiếp theo là bước tạo khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách này mà mốc quan trọng là ngày 1/7/2014, Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định: “Thay đổi cách giải thích Hiến pháp theo hướng công nhận việc sử dụng quyền tự vệ tập thể”. Với quyết định này, việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (điều luật cấm Nhật Bản tham gia chiến tranh và tổ chức chiến tranh) chỉ còn là vấn đề thời gian và thủ tục. Và, theo khung pháp lý này, việc tăng ngân sách cho các hoạt động quân sự sẽ trở thành điều đương nhiên.

Có thể nói đến thời điểm này, kế hoạch của ông Abe đã thành công, bởi đã tạo được sự đồng thuận cả trong và ngoài nước. Trong nước, cũng có những tiếng nói phản đối nhưng chỉ là số ít mặc dù đây đã là năm thứ 3 liên tiếp tiền thuế của người dân nước này được chi nhiều hơn cho mục đích quân sự.

Nếu như năm 2002, làn sóng phản đối việc tăng ngân sách quốc phòng rất dữ dội, thì giờ đây dường như người dân Nhật Bản đã hiểu rõ hơn sự thay đổi của thời thế cũng như sự xuất hiện của nhiều nguy cơ có thật đang đe dọa đất nước mình mà cách tốt nhất để đối phó là: “Dĩ kỳ nhân chi đạo, hoàn trị kỳ nhân chi thân” (tạm dịch: Dùng cách của người để trị lại người).

Còn về dư luận quốc tế, khỏi phải nói cũng thấy sự hoan hỷ của các nước đồng minh với Nhật Bản. Có chăng chỉ là “sự lo ngại” và “sự theo dõi sát sao” từ phía Trung Quốc – nước đang được coi là cái cớ để Nhật Bản trở lại vũ đài quân sự thế giới một cách đường đường chính chính.

Chưa phải bước cuối

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các con số thống kê, có thể thấy mặc dù đã tăng liên tiếp 3 năm liền nhưng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản vẫn chưa đủ để có thể thay đổi cán cân quân sự trong khu vực với đầy rẫy những biến động như hiện nay, và cũng chưa thấm tháp vào đâu so với tỷ lệ tăng cũng như con số tuyệt đối của ngân sách quốc phòng Trung Quốc hay một và quốc gia khác.

Theo báo cáo của Cơ quan điều tra quốc tế IHS, Nhật Bản đứng thứ tư trên thế giới về chi phí cho quân sự trong năm 2014 sau Mỹ, Trung Quốc và Anh. Gọi là đứng thứ tư thế giới nghe có vẻ ghê gớm, nhưng về con số thật thì bị coi là “chưa ăn thua”. Bởi theo IHS, trong năm 2014 Nhật Bản chi cho các hoạt động quân sự bao gồm cả mua sắm khí tài, vũ khí v.v… khoảng 54,61 tỷ USD, trong khi con số này của Trung Quốc, nước đứng thứ hai trong danh sách, là gần 176,3 tỷ USD, tức là gấp hơn 3 lần Nhật Bản.

Mặt khác, nếu xét về tỷ lệ tăng ngân sách của phòng hàng năm của các nước thì con số 2% của Nhật Bản quả là “èo uột” so với trên 12% của Trung Quốc. Thêm nữa, Nhật Bản mới chỉ tăng ngân sách quốc phòng trong 3 năm sau 11 năm liên tục giảm mạnh, còn Trung Quốc liên tục nhiều năm tăng ở mức hai con số gây lo ngại không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.

Thậm chí, IHS còn đưa ra dự báo: “Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ đạt 238,2 tỷ USD vào năm 2015, tăng gấp đôi so với năm 2011 và vượt xa chi tiêu của tất cả các nước có ngân sách quốc phòng lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cộng lại”. Cũng có nghĩa là ngân sách quốc phòng của Trung Quốc khi đó sẽ cao hơn tổng ngân sách của tám thành viên hàng đầu của NATO (không kể Mỹ).

Trong một dự báo khác, IHS cho biết Ấn Độ cũng dự kiến sẽ tăng 6,14%, và mới đây Ấn Độ đã chọn máy bay Rafale của Pháp cho hợp đồng mua 126 máy bay chiến đấu trị giá 20 tỉ đôla. Trong bối cảnh đó, với “sự trở lại” đầy quả đoán của mình, việc Nhật Bản tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng được coi là “bất khả kháng”.

Có thể nói, những con số nêu trên là những con số biết nói. Chúng chỉ ra mức độ gia tăng sức mạnh quân sự của các cường quốc đang trở thành những con sóng ngầm dữ dội trong bối cảnh khi mà xu thế hội nhập, hòa hoãn, hợp tác và tránh xung đột, đối đầu trực tiếp đang là dòng chủ lưu trong quan hệ quốc tế.

Mặc dù có ý kiến cho rằng việc Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự là dấu hiệu của một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng trên thực tế, nó cũng góp phần làm cân bằng cục diện của châu Á hiện nay. Hy vọng rằng với “sự trở lại” của mình, Nhật Bản sẽ đóng góp hơn nữa cho việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Theo Tuấn Nhật
Vietnamnet