1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật sắp ký thỏa thuận quốc phòng với Indonesia

(Dân trí) - Nhật Bản sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng với Indonesia vào tuần tới, giới chức của cả hai nước cho biết, trong nỗ lực mới nhất của Tokyo nhằm thúc đẩy mối quan hệ an ninh thân thiết hơn với các quốc gia Đông Nam Á và xây dựng sự đối trọng với Trung Quốc.

(Ảnh minh họa:
(Ảnh minh họa: AFP)
 
Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ tới thăm Tokyo vào tuần tới và ký kết một thỏa thuận với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về việc tăng cường hợp tác về huấn luyện và công nghệ quân sự. Hiện tại, hai nước chỉ có một thỏa thuận về trao đổi các học viên quân sự.

Mặc dù đó sẽ là một thỏa thuận không ràng buộc nhưng đây được xem là bước đi đầu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Một quan chức ngoại giao Nhật Bản nói rằng chuyến thăm của ông Widodo sẽ gửi đi "một thông điệp lớn" vì đây sẽ là chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của ông bên ngoài khu vực Đông Nam Á.

Một quan chức chính phủ Indonesia nói thỏa thuận quốc phòng "rất quan trọng" đối với cả hai nước.

Đối với Nhật Bản, quan hệ thân thiết hơn với Indonesia có thể cho phép các công ty quốc phòng nước này có cơ hội tốt hơn nhằm cạnh tranh với các hãng chế tạo thiết bị quân sự Hàn Quốc, vốn đang khẳng định mình trong khu vực, theo một quan chức quốc phòng Nhật.

Tổng thống Widodo sẽ thăm Trung Quốc, hiện cũng đã có một thỏa thuận quốc phòng ràng buộc pháp lý với Indonesia, ngay sau chuyến thăm Nhật Bản.

Indonesia, quốc gia lớn nhất tại Đông Nam Á, đã trở thành bên trung gian trong cách tranh chấp lãnh thổ dai dẳng giữa Trung Quốc và các láng giềng ở Biển Đông.

Tokyo không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng ngày càng lo ngại về việc bị cô lập nếu Trung Quốc thống trị một tuyến đường biển mà phần lớn hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của Nhật Bản đi qua đây.

Sự hợp tác trên cũng nằm trong chính sách an ninh mạnh mẽ hơn được Thủ tướng Abe ủng hộ. Ông Abe muốn nới lỏng những giới hạn trong hiến pháp hòa bình hậu chiến tranh của Nhật Bản và kết nối với chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ.

An Bình