1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật lần đầu tiên quay phim được bề mặt Mặt trăng (kèm video)

(Dân trí) - Những thước phim với hình ảnh vô cùng rõ nét về bề mặt của Mặt trăng lần đầu tiên đã được tàu thám hiểm vũ trụ của Nhật Bản gửi về Trái đất.

Tàu vũ trụ Selene, hay Kaguya, của Nhật Bản đã tới Mặt trăng vào cuối năm ngoái, mang theo một máy quay phim HDTV cỡ lớn để ghi lại được hình ảnh của Mặt trăng. Tàu Selene hiện đang bay cách bề mặt Mặt trăng khoảng 100km.

 

Những thước phim này đã ghi lại được khung cảnh các nhà du hành trên tàu vũ trụ Apollo thám hiểm Mặt trăng chiêm ngưỡng nhiều thập kỷ trước.

 

Đoạn phim mới nhất về Mặt trăng đã được công bố tại Hội nghị khoa học Hành tinh và Mặt trăng ở Houston, Texas, Mỹ vừa qua. Trong số đó có những bức ảnh tuyệt đẹp về “Trái đất mọc” ở phía chân trời của Mặt trăng và ranh giới giữa nửa ban ngày và nửa ban đêm của Mặt trăng.

 

 

Nhật lần đầu tiên quay phim được bề mặt Mặt trăng (kèm video) - 1
 

Tàu thám hiểm Selene

của Nhật.

“Đó thực sự là một khung cảnh hùng vĩ”, giáo sư Rie Honda, của đại học Kochi, Nhật Bản cho biết. Ông là một cộng tác viên trong sứ mệnh Selene.

 

Được biết tàu vũ trụ Selene gồm 1 vệ tinh chính và hai vệ tinh phụ nhỏ hơn, mang tên Ouna và Okina. Selene có nhiệm vụ khảo sát Mặt trăng, vẽ địa hình 3D của Mặt trăng, trọng lượng và từ trường của nó. Ngoài ra Selene còn là minh chứng về công nghệ của Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (Jaxa).

 

 

Nhật lần đầu tiên quay phim được bề mặt Mặt trăng (kèm video) - 2
 

Chiếc máy quay phim HDTV

cỡ lớn được gắn trên Selene.

Giáo sư Manabu Kato, giám đốc khoa học của sứ mệnh Selene cho biết, sự kiện Selene tới Mặt trăng đánh dấu bước đi quan trọng của ngành khoa học vũ trụ Nhật.

 

Ngoài máy quay phim HDTV, Selene còn mang theo 14 thiết bị khoa học khác, như quang phổ kế, máy phân tích hình ảnh để phân tích cấu tạo hóa chất và khoáng chất của bề mặt Mặt trăng.

 

 

Nhật lần đầu tiên quay phim được bề mặt Mặt trăng (kèm video) - 3
 

Miệng hố Shackleton

trên bề mặt Mặt trăng.

Đáng chú ý là Selene đã bay qua một vùng đất trũng, được đặt tên là miệng hố Shackleton, mà các nhà khoa học cho rằng nó có thể chứa nước đá. Nếu đúng như vậy, nước đá có thể có ích cho những ai lên “khai hoang” trên Mặt trăng sau này.

 

Hiện các nhà khoa học vẫn đang phân tích dữ liệu thu được khi bay qua miệng hố Shackleton. Tuy nhiên, họ chưa thể khẳng định có bằng chứng tồn tại nước đá ở đây.

 

Selene được phóng vào ngày 14/9/2007 và đi vào quỹ đạo quan sát, cách bề mặt Mặt trăng 100km, vào ngày 18/10/2007.

 

Xem "Trái đất đang lên" từ chân trời của Mặt trăng

 

Xem Selene đi qua ranh giới giữa nửa tối và nửa sáng của Mặt trăng

 

Xem Selene đi qua các miếng hố trên Mặt trăng

 

 

Trang Thu

Theo BBC