1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật lần đầu phái 1.000 quân sang Mỹ tập trận đổ bộ

(Dân trí) - Từ ngày 11/6, khoảng 1.000 lính Nhật sẽ có mặt tại nam California để tham gia cuộc tập trận kéo dài 2 tuần chưa từng có tiền lệ với quân đội Mỹ, nhằm cải thiện khả năng tấn công đổ bộ của lực lượng Nhật Bản.

Nhật lần đầu phái 1.000 quân sang Mỹ tập trận đổ bộ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C. Hagel (trái) tiếp đồng nhiệm Nhật I. Onodera tại Washington ngày 29/4 vừa qua.
 

Giới chức quân sự Mỹ và Nhật cho biết cuộc tập trận giúp cho lực lượng phòng vệ Nhật phản ứng tốt hơn với các cuộc khủng hoảng như thảm họa tự nhiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lại nhìn nhận khác, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông tăng cao.

 

“Đây là một điểm nữa người Trung Quốc coi là sự mở rộng hợp tác quân sự”, Tai Ming Cheung, nhà phân tích các vấn đề an ninh Trung Quốc và Đông Á, giám đốc Viện Xung đột và hợp tác toàn cầu, thuộc đại học California, San Diego, cho hay.

 

Cuộc tập trận diễn ra hai ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc họp thượng đỉnh không chính thức với Tổng thống Mỹ Obama tại California, thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có căng thẳng đang gia tăng tại Thái Bình Dương.

 

Theo hãng tin Kyodo của Nhật thì Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ-Nhật hủy cuộc tập trận này. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Nhật không xác nhận thông tin này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng có phản ứng tương tự.

 

Còn về cuộc tập trận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, “chúng tôi hi vọng các bên liên quan có thể tập trung vào hòa bình và ổn định khu vực, đóng góp hơn nữa cho niềm tin và hòa bình, ổn định khu vực”.

 

Trong khi đó giới chức quân sự Mỹ cho rằng củng cố khả năng tấn công đổ bộ cho lực lượng Nhật rất quan trọng khi lực lượng Mỹ tập trung phát triển chiến lược mới tại châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Khu vực đang nóng bởi các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cùng các tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

 

Đại tá Grant Newsham, phụ trách liên lạc với quân đội Nhật Bản xác định, “thế kỷ 20 đã dạy cho chúng ta bài học là khi các nền dân chủ có năng lực và quyết tâm tự bảo vệ mình, điều đó sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định… Hầu hết các nước châu Á đều hoan nghênh – (dù có khi không nói ra) - một lực lượng Nhật Bản tinh nhuệ hơn, cùng lúc là đồng minh chặt chẽ của Hoa Kỳ”.

 

Vũ Quý
Theo AP