Nhật ký đau lòng của một thợ lặn tìm kiếm nạn nhân vụ chìm phà
(Dân trí) - “Bắt đầu tìm kiếm và chạm vào một bức tường. Mò mẫm dọc bức tường…. đi sâu hơn chút nữa. Cảm nhận được một thi thể”.
Các thợ lặn đối mặt áp sức ép to lớn từ giới chức và gia đình các nạn nhân trong cuộc tìm kiếm những người mất tích.
Một trong những thợ lặn tham gia cuộc tìm kiếm và cứu hộ trong hầu hết chiến dịch đã ghi lại nhật ký cuộc tìm kiếm hàng ngày, vốn miêu tả chi tiết những yều cầu khắc nghiệt về thể chất và tinh thần đặt lên vai các đội cứu hộ.
Nhật ký đã theo sát tiến trình cứu hộ, từ những lạc quan ban đầu rằng một số hành khách có thể được tìm thấy trong các khu vực có túi khí, tới thực tại đau buồn là không còn ai sống sót ngoài 172người vốn thoát khỏi phà trước khi nó bị chìm.
“Tâm trí tôi chỉ có một suy nghĩ - tìm bất kỳ ai còn sống”, nhật ký bắt đầu vào ngày 19/4, tức là 3 ngày sau khi chiếc phà Sewol bị chìm.
Trong số 476 người trên phà có 325 học sinh từ một trường trung học ở thành phố Ansan, miền bắc Hàn Quốc, đang thực hiện một chuyến đi dã ngoại tới đảo Jeju ở miền nam.
Người thợ lặn, vốn ghi chép nhật ký, đã được công ty cứu hộ Undine Marine Industry thuê để tìm kiếm các nạn nhân theo một hợp đồng tạm thời, vốn cấm anh này trò chuyện với báo giới.
Các trang nhật ký của anh đã được Kookje Shinmun, một tờ báo địa phương tại thành phố Busan, công bố hồi tuần này dưới bút danh là “Mr. B”.
Đến ngày 22/4, thực tại đã phơi bày ra rằng cuộc tìm kiếm những người sống sót biến thành cuộc tìm kiếm các thi thể, dù người thân của hàng trăm người mất tích đang chờ đợi trên bờ vẫn nuôi hi vọng mong manh rằng một số người có thể còn sống.
“Chúng ta đã làm gì với những đứa trẻ này?”, nhật ký viết. “Xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi”.
Lời cảm ơn từ một bậc phụ huynh vì đã tìm thấy thi thể con ông không giúp xua đi cảm giác vô dụng. “Tôi không nghĩ mình đáng được cảm ơn như vậy”, thợ lặn viết.
Những dòng nhật ký đau lòng nhất là những trang viết gần đây nhất, khi chiến dịch tìm kiếm phải đẩy nhanh tiến độ và các thợ lặn vào di chuyển vào sâu hơn bên trong chiếc phà chìm.
Các thợ lặn bị sức ép rất lớn từ giới chức gia và đình các nạn nhân nhằm trục vớt toàn bộ thi thể bị mắc kẹt bên trong càng nhanh càng tốt, nhưng nhật ký đã cho thấy họ phải đối mặt với việc hoạt động trong môi trường mà tầm nhìn gần như bằng 0.
“Đèn gần như vô dụng”, thợ lặn viết ngày 4/5, khi “Mr. B” và đồng nghiệp cố gắng thiết lập các dây dẫn đường bên trong chiếc phà chìm ở độ sâu 40 m.
“Tầm nhìn rất tệ. Tốt hơn là nhắm mắt lại và mò đường bằng tay”.
2 ngày sau đó, nhật ký miêu tả khoảnh khắc thợ lặn tìm thấy một thi thể, va phải một thứ gì đó mà khi sờ vào mới biết là cánh tay của một nạn nhân đang nổi trong một trong những buồng hành khách.
Sau khi buộc thi thể, thợ lặn kéo dây bảo hiểm để báo hiệu cho các nhóm trên mặt biển kéo họ lên. “Chúng tôi đã bị kẹt một cánh cửa và tôi đã báo hiệu cho họ đừng kéo nữa. Sau đó tôi vượt qua cánh cửa và từ từ kéo thi thể qua và chúng tôi cùng ngoi lên mặt nước”, nhật ký có đoạn viết.
Sau đó, thợ lặn quay trở lại tìm ở cùng cabin, với ý nghĩ rằng nhiều hành khách đã tuân thủ lời chỉ dẫn của phi hành đoàn khi ở nguyên tại chỗ lúc phà bắt đầu nghiêng sang một bên.
Ban đầu, thợ lặn không tìm thấy gì. Nhưng đột nhiên sau đó anh đụng phải một thi thể bị mắc kẹt dưới một giường ngủ. “Tôi cảm nhận thấy các cánh tay đầu tiên, sau đó là đầu và thân người”.
“Không gian quá hẹp. Rất khó để lôi thi thể ra trong khi thời gian lặn đang cạn dần”.
Nhật ký sau đó miêu tả việc thợ lặn phải thu dọn các túi xách và các mảnh vỡ từ vị trí chật hẹp và cố gắng dùng hai tay luồn vào nách nạn nhân để kéo thi thể ra ngoài.
Trước đó, đã xuất hiện nhiều lo ngại về sự an toàn của các thợ lặn tham gia tìm kiếm những người mất tích bên trong chiếc phà chìm.
Cho tới nay, đã xảy ra một trường hợp thiệt mạng đối với nhóm cứu hộ, khi một thợ lặn được kéo lên mặt nước trong tình trạng bất tỉnh hôm 6/5 và được thông báo qua đời sau đó tại bệnh viện.
An Bình
Theo AFP