Tranh chấp biển đảo:
Nhật không thỏa hiệp, Trung đào sâu bất đồng
(Dân trí) - Thủ tướng Nhật tuyên bố sẽ không thỏa hiệp trong tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc giận dữ tuyên bố quần đảo là “lãnh thổ thiêng liêng” của Trung Quốc.
“Về Senkaku, quần đảo là một phần không thể tách rời của lãnh thổ chúng tôi, xét về lịch sử cũng như luật quốc tế”, ông Noda cho biết về quần đảo mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư trên Hoa Đông.
“Không có vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Vì vậy không có bất kỳ thỏa hiệp nào để rút lại quan điểm này”, ông Noda cho biết trong một cuộc họp báo ở New York sau khi tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Trước đó, cũng vào ngày 26/9, báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết tại cuộc gặp bên lề hội nghị tại New York giữ hai ngoại trưởng Trung-Nhật, Trung Quốc đã tái khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo xa xôi không có người ở tại Hoa Đông bởi đây là “lãnh thổ thiêng liêng từ thời xa xưa” của Trung Quốc.
Trong cuộc đàm phán kéo dài một tiếng vào tối ngày thứ ba tại New York, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế đối với căng thẳng hiện nay. Các nhà ngoại giao Nhật miêu tả cuộc gặp hết sức “căng thẳng”, khi ông Gemba phải hứng chịu bài thuyết giáo gay gắt của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Mối quan hệ Trung-Nhật trở nên xấu đi nghiêm trọng kể từ khi Nhật mua các hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ tay người sở hữu tư nhân, khiến mối quan hệ thương mại, du lịch giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á bị ảnh hưởng, trong khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp Trung Quốc.
Tại New York, Thủ tướng Nhật Noda cũng nhấn mạnh đến việc Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo mà Nhật quản lý từ năm 1895 này. Ông cho hay Tokyo sẽ giải quyết căng thẳng thận trọng để bảo vệ mối quan hệ với các nước láng giềng.
Ông Noda cho biết, ông đã “liên tục giải thích với Trung Quốc lý do mua đảo của chúng tôi, nhưng thật đáng tiếc điều này lại không được Trung Quốc chấp nhận”, mà thay vào đó đã tấn công công dân, doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc.
“Tôi phản nói rõ với Trung Quốc rằng không có biện minh nào cho hành động bạo lực và kịch liệt kêu gọi Trung Quốc bảo vệ công dân và doanh nghiệp Nhật”, ông Noda cho hay.
Các hãng sản xuất ô tô Nhật như Toyota, Nissan và Suzuki hiện đang cắt bớt sản xuất ở Trung Quốc do các cuộc biểu tình, buộc họ phải đóng cửa các chi nhánh bán hàng, khiến viễn cảnh bán hàng ở thị trường xe hơi hàng đầu thế giới trở nên mờ mịt.
Tại các cuộc họp giữa Trung-Nhật ở cả Liên hợp quốc và Bắc Kinh đều cho thấy Bắc Kinh không muốn tranh cãi đối với Senkau/Điếu Ngư dẫn đến đổ vỡ trong mối quan hệ hai nước vào năm được đặt là Năm hữu nghị Nhật-Trung.
Tuy nhiên, tàu tuần tra Nhật và Trung Quốc vẫn “chơi trò mèo đuổi chuột” đầy căng thẳng ở vùng biển quanh quần đảo tranh chấp, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra va chạm có khả năng leo thang thành một vụ đụng độ lớn hơn.
Tuy nhiên theo những phát ngôn được báo chí Trung Quốc đăng tải, thì căng thẳng hiện nay còn lâu mới chấm hết. “Động thái của Nhật là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, là phủ nhận đối với kết quả chiến thắng trong cuộc chiến chống phát xít của thế giới và thách thức đối với trật tự quốc tế thời hậu chiến”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Dương Khiết Trì cho hay.
Khó rút lui
Mối quan hệ Nhật-Trung từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi quá khứ đau buồn của người Trung Quốc bị phát xít Nhật chiếm đóng trong những năm 1930-1940, cũng như đối đầu của họ đối với các nguồn tài nguyên cũng như sức ảnh hưởng trong khu vực.
Tranh cãi hiện nay trùng vào thời điểm những vấn đề nội bộ ở cả hai nước khiến hai bên khó bề rút lui. Trong khi Trung Quốc đang chuẩn bị trải qua cuộc thay đổi lãnh đạo 10 năm mới có một lần, thì đảng cầm quyền của ông Noda đang đối mặt với một trận chiến khốc liệt trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong vòng vài tháng nữa.
Thủ tướng Nhật hiện đang bị đảng đối lập chính đòi từ chức và đảng này hôm qua đã chọn cựu Thủ tướng và nhân vật “diều hâu” trong vấn đề an ninh Shinzo Abe làm tân lãnh đạo của đảng.
Ông Abe từng là tiếng nói mạnh mẽ nhất kêu gọi Tokyo phải cứng rắn hơn đối với tranh chấp lãnh thổ với cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, hôm qua, ông lại có quan điểm khá cân bằng. “Chúng ta phải cho thấy quyết tâm bảo vệ vững chắc lãnh hải của chúng ta và Senkaku trong các động thái của Trung Quốc”, ông cho biết trong cuộc họp báo sau khi được bầu làm chủ tịch đảng đối lập.
Song ông cho biết thêm: “Thậm chí nếu quyền lợi dân tộc của chúng ta bị xung đột, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chúng ta cần nhau và cần phải kiểm soát tình hình trong khi suy nghĩ một cách chiến lược. Quan điểm của tôi về vấn đề này không thay đổi”.
Trung Quốc đã hủy lễ kỷ niệm 40 thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật, tuy nhiên một quan chức thuộc Hiệp hội kinh tế Trung-Nhật cho biết chủ tịch Toyota Fujio Cho và Hiromasa Yonekura, chủ tịch Keidanren, cơ quan vận động hành lang cho doanh nghiệp Nhật, và các nhóm hữu nghị khác sẽ tham dự một sự kiện vào ngày hôm nay tại Bắc Kinh.
Vũ Quý
Tổng hợp