1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Hoàng và Hoàng hậu ân cần hỏi thăm cuộc sống của vợ con cựu binh Nhật

(Dân trí) - Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã ân cần hỏi thăm cuộc sống của vợ và con các cựu binh Nhật trong cuộc gặp thân mật tại Hà Nội vào trưa ngày 2/3.


Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản gặp gỡ người thân các cựu binh sĩ Nhật ngày 2/3 (Ảnh: Reuters)

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản gặp gỡ người thân các cựu binh sĩ Nhật ngày 2/3 (Ảnh: Reuters)

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản hôm nay đã có cuộc gặp với các gia đình của các cựu binh Nhật Bản từng tham chiến tại Việt Nam. Tổng cộng 16 người, trong đó có một người vợ và 15 người con của các cựu binh Nhật hiện đang sinh sống trên khắp Việt Nam, đã có mặt để tham dự cuộc gặp gỡ với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.

Buổi gặp gỡ diễn ra trong bầu không khí thân mật, xúc động. Không chỉ những người con mang hai dòng máu Việt - Nhật rơi lệ, mà những vị khách chứng kiến sự kiện cũng không kìm nén được sự xúc động.

Trong khán phòng nhỏ, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã tới trò chuyện với từng gia đình người Việt. Nhà vua và Hoàng hậu nắm chặt tay thân nhân các cựu binh Nhật và ân cần hỏi thăm cuộc sống của họ trước đây cũng như hiện tại.

Nhật Hoàng cho biết ông vui mừng khi những người con mang hai dòng máu Việt - Nhật giờ đây đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định tại Việt Nam và luôn hướng về đất nước Nhật Bản. Qua phiên dịch viên, Nhật Hoàng bày tỏ sự cảm phục những bà mẹ Việt đã nuôi dạy con cái trưởng thành, luôn dạy các con về tình yêu đất nước, yêu chuộng hòa bình.

Đáp lại, một người thân của cựu binh Nhật đã chia sẻ với Nhật Hoàng câu chuyện về người cha ruột. Ông kể lại rằng khi gặp cha ruột lần đầu tiên vào năm 1976, người cha đã dặn ông phải biết yêu thiên nhiên, yêu hòa bình, yêu quê hương đất nước Việt Nam và luôn nhớ về Nhật Bản.


Hoàng hậu Michiko ân cần bắt tay và trò chuyện với thân nhân các cựu binh sĩ Nhật (Ảnh: An Bình)

Hoàng hậu Michiko ân cần bắt tay và trò chuyện với thân nhân các cựu binh sĩ Nhật (Ảnh: An Bình)

Cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ hòa bình, hữu nghị

Trong các cuộc trò chuyện, Nhật Hoàng và Hoàng hậu cũng bày tỏ hi vọng rằng quan hệ Việt - Nhật sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai, và mong những thân của các cựu binh Nhật tiếp tục đóng góp để thúc đẩy mối quan hệ hòa bình, hữu nghị này.

Cụ bà Nguyễn Thị Xuân, 92 tuổi, là người vợ duy nhất của các cựu binh Nhật có mặt trong buổi gặp gỡ Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản hôm nay. Dù tuổi đã cao nhưng cụ Xuân, với dáng người nhỏ nhắn, vẫn đi lại nhanh nhẹn và trò chuyện rành mạch, minh mẫn. Hôm nay, cụ dậy từ sớm, cùng các con chuẩn bị để di chuyển từ ngoại thành Hà Nội vào trung tâm thành phố và chờ đợi hàng giờ để gặp gỡ Nhật Hoàng và Hoàng hậu.

Nắm chặt tay Nhật Hoàng và mắt nhòa lệ, cụ Xuân cho hay cụ đã rất xúc động và hồi hộp khi tham dự sự kiện này. Cụ Xuân và các con cảm ơn Nhật Hoàng và Nhà vua đã dành sự quan tâm tới thân nhân của các cựu binh sĩ Nhật trong chuyến thăm, chúc Nhà vua và Hoàng hậu nhiều sức khỏe, đồng thời cầu chúc mối quan hệ song phương Việt - Nhật ngày càng tốt đẹp, nhân dân hai nước được sống trong hòa bình và phồn vinh.

Hoàng hậu Michiko cũng không giấu được sự xúc động khi trò chuyện với người phụ nữ Việt. Có lúc, Hoàng hậu đã ngồi hẳn xuống để trò chuyện với cụ Xuân. Hoàng hậu chia sẻ rằng, là một người mẹ và một người vợ, bà thấu hiểu những khó khăn mà cụ Xuân phải trải qua trong khi nuôi dạy 3 người con mang hai dòng máu Việt - Nhật nên người. Hoàng hậu Michiko còn ôm cụ bà Xuân trước khi họ chia tay.

Ông Hồng Nhật Quang và người vợ Lê Thị Sáng, đều có cha là các cựu binh sĩ Nhật từng tham chiến tại Việt Nam, cũng chia sẻ niềm xúc động khi được gặp gỡ Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản trong dịp này. Chia sẻ với báo giới tại cuộc cuộc gặp, ông Quang cho hay, là những người con mang hai dòng máu Việt - Nhật, vợ chồng ông những năm qua đã nỗ lực góp phần nhỏ bé để thúc đẩy quan hệ song phương.

Ông Quang, hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nhật tại tỉnh Thanh Hóa, cho biết ông đã gặp lại người cha đẻ Sugihara Takeshi tại Osaka, Nhật Bản vào năm 1996. Kể từ đó, ông và người cha ruột đã nhiều lần gặp nhau và có dịp ông còn sang Nhật Bản sống cùng cha trong 90 ngày.


Cụ bà Nguyễn Thị Xuân trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc gặp (Ảnh: An Bình)

Cụ bà Nguyễn Thị Xuân trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc gặp (Ảnh: An Bình)

Ông Trần Đức Dũng, người có cha là một cựu binh Nhật, cho biết ông dậy từ 4h30 sáng nay để chuẩn bị cho cuộc gặp với Nhật Hoàng và Hoàng hậu. Ông đã xúc động khi kể lại câu chuyện hội ngộ với người cha lần đầu tiên tại thành phố Kobe, Nhật Bản vào năm 2004. Ông Dũng cho hay sau khi người cha qua đời, sự liên lạc giữa hai bên gia đình tại Nhật Bản và Việt Nam đã bị gián đoạn do bất đồng ngôn ngữ.

Ông Dũng và những người khác có cha là cựu binh Nhật chia sẻ rằng bất đồng ngôn ngữ là một trong rào cản khiến họ gặp khó khăn trong việc duy trì liên lạc thường xuyên với người thân tại Nhật Bản. Ông Dũng kể rằng, cha ông từng hỏi ông trong cuộc gặp năm 2004 rằng “Vì sao con nói mong muốn tìm gặp cha mà lại không học tiếng Nhật?”. Sau này, khi đã thấu hiểu hoàn cảnh của người con ở Việt Nam, cha ông đã nói lời xin lỗi về câu hỏi này.

Nhưng ông Dũng cũng nói, chính câu hỏi của người cha đã khiến ông cho con trai sang Nhật Bản du học. Người con này đã lấy bằng tại Nhật Bản và hiện trở về Việt Nam làm việc. Theo ông Dũng, đó cũng là một nỗ lực nhằm thúc đẩy mối gắn kết Việt - Nhật trong gia đình ông.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người con Việt Nam tham dự cuộc gặp hôm nay đều có cơ hội gặp lại người cha Nhật. Bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt là một trong những người như vậy. Bà Nguyệt tâm sự rằng bà không có bất kỳ thông tin nào về người cha. Bà chỉ biết về cuộc gặp với Nhật Hoàng 4 ngày trước và ngay lập tức đặt vé từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhân dịp này. “Được gặp gỡ Nhật Hoàng và Hoàng hậu đã là một niềm vinh dự vô cùng”, bà nói trước khi ra về cùng người con trai cũng tháp tùng mẹ ra Hà Nội đợt này.

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đang có chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2-5/3, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Nhà vua và Hoàng hậu có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Việt Nam và thăm các địa điểm lịch sử, văn hóa trong thời gian lưu lại tại Hà Nội từ 28/2-3/3. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ rời Hà Nội để đi thăm Huế vào chiều mai, 3/3. Tại Huế, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ thăm Đại Nội Huế và thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế.

An Bình