1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật, Hàn hoãn ký thỏa thuận quân sự lịch sử

(Dân trí) - Hàn Quốc hôm nay đã hoãn ký một thỏa thuận quân sự mang tính lịch sử với Nhật Bản, do vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía đảng đối lập cũng như đảng cầm quyền ở Seoul.

 
Đảng Dân chủ thống nhất Hàn Quốc phản đối lập phản đối thỏa thuận quân sự với Nhật.
Đảng Dân chủ thống nhất Hàn Quốc phản đối lập phản đối thỏa thuận quân sự với Nhật.

Thông tin trên được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo. Tại Tokyo, nơi thỏa thuận dự kiến được ký kết, Ngoại trưởng Nhật cũng xác nhận lễ ký được hoãn lại theo yêu cầu của Seoul.

 

Thỏa thuận chia sẻ thông tin sẽ là thỏa thuận quân sự đầu tiên giữa hai nước kể từ khi chấm dứt sự đô hộ của Nhật ở Hàn Quốc vào năm 1945.

 

Nhiều người già ở Hàn Quốc vẫn còn ký ức đau buồn về thời gian bị Nhật đô hộ 1910-1945 và hợp tác quân sự là vấn đề nhạy cảm.

 

Vài giờ trước lễ ký dự kiến giữa Ngoại trưởng Nhật  Koichiro Gemba và đại sứ Hàn Quốc Shin Kak-Soo, lãnh đạo đảng cầm quyền Hàn Quốc đã kêu gọi hoãn lại.

 

Một quan chức cấp cao của Đảng Biên giới mới, Chin Young, cho biết công chúng phản đối một số khía cạnh của thỏa thuận và sẽ là không phù hợp nếu “vội vã ký thỏa thuận, với những điều khoản vẫn còn chưa rõ ràng với công chúng”.

 

Ông Chin cho hay quốc hội có quyền tranh luận về thỏa thuận mặc dù nó không phải là vấn đề cần phải được sự phê chuẩn của cơ quan này.

 

Trong tuyên bố đưa ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ tham khảo các nhà lập pháp trước khi có xúc tiến tiếp theo.

 

Đây là lần thứ hai Seoul hoãn thỏa thuận.

 

Với lý do thái độ “thù Nhật” vẫn còn, Hàn Quốc tháng trước đã hoãn ký thỏa thuận và một thỏa thuận quân sự khác, nhằm chia sẻ hậu cần, hợp tác gìn giữ hòa bình.

 

Lãnh đạo Đảng Dân chủ thống nhất, đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, ông Park Jie-Won cho rằng thỏa thuận chỉ làm gia tăng đối đầu quân sự ở Đông Bắc Á và công kích nội các Seoul đã bí mật phê chuẩn thỏa thuận.

 

Giới chuyên gia cho rằng thỏa thuận sẽ giúp Nhật củng cố vũ trang, dọn đường cho quân đội nước này đặt chân lên bán đảo Triều Tiên.

 

Song tranh cãi lịch sử vẫn làm tổn thương mối quan hệ giữa hai nước.

 

Hai nước vẫn đang tranh chấp chủ quyền tới quần đảo đá ở Biển Nhật Bản (Biển phía Đông) và Tokyo từ chối đàm phán đền bù cho những phụ nữ Hàn bị quân đội Nhật ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II.

  

Nhưng mặt khác hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức Seoul cho biết, Hàn Quốc lại muốn dùng tài sản tình báo Nhật, như vệ tinh do thám, máy bay do thám công nghệ cao.

 

Theo quan chức này, thỏa thuận tình báo quân sự cũng cần thiết để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 

Vũ Quý

Theo AFP