Nhật đưa robot biết nói lên trạm vũ trụ
(Dân trí) - Nhật hôm nay 4/8 đã phóng một tên lửa chở hàng, mang theo đồ tiếp tế cho các du hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế và một con robot nhỏ biết nói, để bầu bạn với nhà du hành vũ trụ Nhật trên trạm.
Kirobo được "luyện tập" trong tình trạng không trọng lượng, chuẩn bị cho chuyến bay.
Tên lửa H-2B đã rời bệ phóng ở đảo miền nam Tanegashima vào 4h48 sáng nay theo giờ địa phương. Theo Cơ quan khám phá vũ trụ Nhật (JAXA), vụ phóng diễn ra theo đúng kế hoạch và module hàng HTV4 đã tách khỏi tên lửa, đang tiếp tục hành trình tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Theo dự kiến HTV4 sẽ cập “bến” ISS vào ngày 9/8 tới.
Tên lửa không có người lái của Nhật đã mang theo khoang chở hàng chứa nước uống, thực phẩm, quần áo và các dụng cụ làm việc cho nhóm 6 nhà du hành đang làm việc lâu dài trên ISS.
Sứ mệnh chở hàng hàng trước đây thường được các nước như Nga, Mỹ thực hiện và cũng chở chất thải từ trạm ISS về trái đất.
Trong sứ mệnh lần này, Nhật đưa lên ISS một con robot nhỏ biết nói. Con robot giống người này được thiết kế với nhiệm vụ làm bầu bạn với nhà du hành vũ trụ người Nhật Koichi Wakata, dự kiến sẽ lên trạm vũ trụ vào cuối năm nay.
Cao chỉ 34cm và nặng khoảng 1kg, Kirobo được lập trình để giao tiếp bằng tiếng Nhật và ghi lại các đoạn hội thoại với Wakata, du hành gia Nhật đầu tiên sẽ chỉ huy ISS.
“Kirobo sẽ nhớ gương mặt của nhà du hành Wakata để có thể nhận ra ông khi họ gặp lại trong vũ trụ”, “cha đẻ” của con robot Tomotaka Takahashi cho biết vào hồi tháng 6 vừa qua. “Nó sẽ là robot đầu tiên thăm trạm vũ trụ”. Kirobo được phát triển dựa trên nhân vật hoạt hình huyền thoại Astro Boy.
Kirobo, có khả năng di chuyển linh hoạt, cũng sẽ được giao thêm một nhiệm vụ khác, đó là chuyển tiếp các thông điệp từ phòng điều khiển tới cho nhà du hành Nhật.
Đưa robot lên vũ trụ là một chương trình nghiên cứu, nhằm xem xét một người bạn không phải là con người có thể hỗ trợ về tình cảm cho những người sống tách biệt trong một thời gian dài như thế nào.
Trở về trái đất, “anh em sinh đôi” Mirata sẽ giám sát những vấn đề mà Kirobo gặp phải.
Hồi tháng 1, Nhật đã phóng 2 vệ tinh từ Tanegashima nhằm củng cố khả năng do thám của mình, trong đó có một vệ tinh theo dõi Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa.
Một trong những vệ tinh này là tổ hợp radar, nhằm hoàn chỉnh hệ thống vệ tinh do thám, cho phép Tokyo giám sát bất kỳ vị trí nào trên trái đất ít nhất một lần một ngày. Vệ tinh còn lại là nhằm thu thập dữ liệu để nghiên cứu và phát triển.
Phan Anh
Theo AFP