1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Nhật có thể sẽ hỗ trợ quân sự cho Mỹ trên Biển Đông”

(Dân trí) - Trang thông tin của người Hoa ở nước ngoài Duowei ngày 22/3 đưa tin Nhật Bản đang tiến hành các cuộc thảo luận sửa đổi hiến pháp nhằm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Mỹ trên Biển Đông, vùng biển đang nóng lên vì các tranh chấp chủ quyền.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh:

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Kyodo)

Theo tờ Duowei, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Komeito ngày 20/3 đã tổ chức các cuộc thảo luận về kế hoạch sửa đổi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Bản sửa đổi mới này được cho là sẽ trao cho Nhật Bản quyền phòng vệ tập thể và tạo ra một khuôn khổ pháp lý giúp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có thể hỗ trợ quân sự cho quân đội Mỹ và các quốc gia đồng minh khác.

Hiện Hiến pháp hiện hành đang có các điều luật ngăn SDF đưa quân ra nước ngoài chiến đấu. Bởi vậy, chính phủ Nhật Bản đang cho xây dựng một dự luật nhằm thay đổi quy định hiện tại song song với việc đàm phán với Mỹ về việc sửa đổi hiệp ước an ninh giữa hai nước.

Theo Duowei, việc Trung Quốc bành trướng và tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng tại khu vực Biển Đông là một nội dung trọng tâm của cuộc thảo luận hôm 20/3. Buổi thảo luận này chỉ ra rằng Mỹ và Nhật hiện đang tìm cách thể hiện sự quyết đoán của mình tại khu vực Biển Đông.

Bài báo trên tờ Duowei cho hay theo kế hoạch, Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật sẽ được sửa đổi vào cuối tháng 4 tới và nội dung của nó sẽ phản ánh những thay đổi trong hiến pháp Nhật Bản.

Trong khi đó, nhật báo Mainichi Shimbun của Nhật Bản đưa tin, các quy định hiện hành liên quan đến Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật đang đảm bảo cho hiệp ước này được thực thi một cách hiệu quả, nhưng chỉ được áp dụng tại khu vực phía bắc Philippines.

Các quy định hiện nay đang cản trở khả năng hỗ trợ cho quân đội Mỹ của Nhật Bản tại Biển Đông. Nhưng hạn chế này sắp bị dỡ bỏ, Tokyo sẽ có thể mở rộng sự can thiệp ở khu vực Biển Đông với vai trò đại diện cho Mỹ.

Duowei nhận định Biển Đông là một tuyến đường huyết mạch đối với nước Nhật. Phần lớn các tàu chở dầu nhập khẩu của Tokyo đều đi qua vùng biển này, do vậy xung đột tại Biển Đông sẽ có thể hủy hoại nghiêm trọng lợi ích của đất nước này.

Trước đây, để tránh khiêu khích Trung Quốc, Nhật Bản đã kiềm chế không cho phép thảo luận các vấn đề liên quan tới Biển Đông trong bản hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật. Tuy nhiên, nội các của Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe lại tỏ ra không e ngại Bắc Kinh. Điều này đồng nghĩa với việc Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật sắp tới có thể sẽ thể hiện lập trường rõ ràng của hai nước về vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó,Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn Biển Đông cũng như đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo, bãi đá tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Theo Duowei, Mỹ quan ngại rằng những căng thẳng trên Biển Đông giữa các quốc gia có thể leo thang thành xung đột và muốn Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn tại khu vực Biển Đông.

Thoa Phạm
Theo Wantchinatimes