1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật cao tay "ly gián" Đài Loan và Trung Quốc tại đảo tranh chấp

(Dân trí) – Ngày 10/4, Nhật Bản và Đài Loan đã cùng ký thỏa thuận đánh bắt cá chung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đây được xem là một nước cờ cao tay của Tokyo nhằm chia rẽ Trung Quốc và Đài Loan trong cuộc tranh chấp về biển đảo.

Nhật Bản và Đài Loan đã quyết định bắt tay để đối phó Trung Quốc?

Nhật Bản và Đài Loan đã quyết định bắt tay để đối phó Trung Quốc?

Theo thỏa thuận này, các thuyền đánh của Đài Loan được phép hoạt động bên trong một phần vùng đặc quyền kinh tế 12 hải lý gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi cả Nhật, Đài Loan và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền.

Động thái này được xem như một bước đi khôn khéo của Tokyo nhằm “ly gián” Đài Loan khỏi Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, đồng thời là một tín hiệu nữa cho thấy quan điểm cứng rắn của chính quyền thủ tướng Shinzo Abe với Bắc Kinh.

Trước hết, theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật, trong khi các thỏa thuận về đánh bắt cá giữa nước này và Trung Quốc đã được thực thi từ năm 2000 thì 16 vòng đàm phán của Nhật với Đài Loan từ năm 1996 vẫn đi vào bế tắc. Một cán bộ cấp cao của Bộ ngoại giao Nhật từng miêu tả tình hình là “trong tình trạng lộn xộn”.

Những đòi hỏi của ngư dân Đài Loan từng là trở ngại quá lớn với Nhật bởi Đài Loan xem vùng nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là ngư trường truyền thống. Đây là điều Nhật không thể chấp thuận.

Đến khi Tokyo quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái, một đoàn tàu cá Đài Loan cùng với lực lượng tuần tra bờ biển của vùng lãnh thổ này đã vào vùng biển tranh chấp. Vào thời điểm đó, có dấu hiệu Trung Quốc và Đài Loan đang xích lại gần nhau trong cuộc tranh chấp với Nhật. 

Tình hình khiến Tokyo lo ngại rằng Đài Loan, dù có quan hệ tốt với Nhật (Nhật là nước xuất khẩu lớn nhất vào Đài Loan năm 2012, trong khi đó Đài Loan từng quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật 200 triệu USD sau trận động đất năm 2011), có thể ngả về phía Trung Quốc. 

Chính vì vậy, hồi tháng 12 vừa qua, ngay khi đắc cử, thủ tướng Abe đã ra lệnh cho các bộ ngành liên quan đẩy nhanh việc đàm phán và củng cố quan hệ với Đài Loan. Một trong những cử chỉ đó là trong lễ kỷ niệm 2 năm thảm họa động đất và sóng thần vừa qua, Tokyo cũng dành riêng một vị trí cho đoàn khách đến từ Đài Loan giữa các phái đoàn từ các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Theo tờ Asahi, để xúc tiến nhanh việc ký kết, Nhật cũng không sử dụng cụm từ “vùng lãnh hải” trong thỏa thuận để tránh thể hiện rõ ràng việc nước này không cho các tàu cá Đài Loan vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây chính là một sự khôn khéo để giúp gạt sang một bên những tranh cãi về chủ quyền đối với các hòn đảo trên.

Về phần mình, Đài Loan hẳn cũng hài lòng với thỏa thuận này bởi chính quyền của nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu đang rất cần đạt được một bước đột phá trong ngoại giao nhằm lấy lại uy tín với cử tri sau khi mức độ tín nhiệm với ông Mã đã giảm mạnh. 

Dù không thể bảo lưu quan điểm về chủ quyền với quần đảo tranh chấp thì việc bản thỏa thuận có một ngôn ngữ trung dung, còn ngư trường đánh bắt của các ngư dân được mở rộng thêm 4530 km vuông như tuyên bố của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Lin Yung-lo sau lễ ký kết, cũng đã là một chiến thắng. 

Sau khi thỏa thuận được công bố, báo giới Đài Loan, từ tờ Kuomintang China Times thân chính phủ, tới tờ Liberty Times thân đảng Dân tiến đối lập, đều hân hoan nhận định Đài Loan đã nắm lấy cơ hội một cách thành công để giúp ngư dân địa phương giành thêm nhiều quyền lợi.  

Chen Chun-sheng, chủ tịch của hiệp hội nghề cá Suao tại huyện Yilan, phía Đông Bắc Đài Loan cũng khẳng định: “Tôi cảm thấy mừng vì thiện chí của Nhật. Mặc dù vẫn còn một số điểm chưa hài lòng, nhưng chúng tôi có thể chấp thuận thỏa thuận này”.

Còn với Bắc Kinh, việc họ bày tỏ sự tức giận là điều dễ hiểu bởi với việc chấp thuận thỏa thuận với Đài Loan, Nhật không chỉ “vô hiệu hóa” một đồng minh của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo mà còn vi phạm cam kết tôn trọng nguyên tắc một Trung Quốc.

“Nhật từng không muốn thương thảo với Đài Loan về quyền đánh bắt bởi họ không coi Đài Loan là một quốc gia, mà chỉ là một tỉnh”, giáo sư Wang Hanling, một chuyên gia về hàng hải tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc phát biểu với tờ bưu điện Hoa Nam. “Thỏa thuận này được ký kết bởi Nhật muốn chia rẽ Bắc Kinh và Đài Bắc, trong khi Đài Loan sẵn sàng hợp tác bởi họ cũng có mục tiêu chính trị của mình”. 

Không những vậy, trong cuộc phỏng vấn với tờ China Times hôm 10/4, người đứng đầu cơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan Wang Jin-wang còn tuyên bố sẵn sàng trục xuất tàu của bất kỳ nước nào khác xâm phạm vùng biển trong thỏa thuận đánh bắt với Nhật. “Tất cả các tàu khác đi vào vùng lãnh hải của Điếu Ngư/Senkaku sẽ bị trục xuất theo luật”, ông Wang khẳng định. Đây rõ ràng không phải điều Bắc Kinh mong muốn.

Thanh Tùng
Tổng hợp