1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật Bản và "canh bạc" với robot

(Dân trí) - Nhật Bản và ngành công nghiệp khổng lồ của nước này đang đánh cược rằng robot sẽ giúp chính phủ đối phó với dân số đang ngày càng lão hóa và lực lượng lao động ngày càng giảm.

Trong số những nước phát triển, Nhật Bản luôn đứng gần cuối bảng những nước có dân là người nước ngoài nhập cư (như ở Mỹ, 12% số dân là người sinh ra ở nước ngoài thì ở Nhật Bản chỉ là 1,6%), nhưng nước này luôn xếp thứ nhất trong các nước sử dụng robot – khoảng 40% lượng robot của thế giới đang làm việc tại đây, chủ yếu trong ngành công nghiệp.
 
Nhật Bản và "canh bạc" với robot - 1
 
Robot Asimo nổi tiếng của hãng Honda có thể phục vụ trà

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để cho ra đời những con robot đủ thông minh để phục vụ nhu cầu của những người cao tuổi sau khi những nghiên cứu mới nhất về dân số học dự báo đến năm 2055, ở Nhật Bản sẽ có tới 40% người trên 65 tuổi. Khi dân số ngày càng lão hóa và lực lượng lao động ngày càng co lại, các nhà nghiên cứu cho rằng các loại robot mới sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đơn giản là vì sẽ không đủ người để làm những công việc tay chân.

Với tình trạng người già nhiều hơn thanh niên, Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ mất cân bằng nghiêm trọng về dân số chưa từng xảy ra ở nước nào. Chế độ ăn uống và sinh hoạt tốt đã giúp tuổi thọ ở nước này tăng lên tích cực, nhưng tình trạng người trẻ không muốn có con đã trở nên phổ biến. Nguyên nhân tỷ lệ sinh thấp là người trẻ từ chối sinh con. Số liệu của chính phủ cho thấy tỷ lệ phụ nữ từ 25 đến 29 tuổi sống độc thân tăng gấp đôi kể từ năm 1980 – từ 24% lên 54%.

Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao nhất thế giới và tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi thấp nhất thế giới. Theo số liệu và những dự báo mà chính phủ đưa ra năm 2008, dân số Nhật Bản bắt đầu giảm 3 năm trước đây. Trong vòng 50 năm, dân số nước này – hiện ở mức 127 triệu, sẽ giảm một phần ba. Trong một thế kỷ, hai phần ba dân số sẽ qua đời. Điều này sẽ khiến Nhật Bản, nước hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ còn 42 triệu dân.

Nhật Bản và "canh bạc" với robot - 2
Robot giao tiếp Palro có hình dáng giống con người được trưng bày trong cuộc họp báo mới đây tại Tokyo. Robot này, chỉ nặng 1,6kg và cao chưa đến 40cm

Vì vậy, chính phủ và ngành công nghiệp Nhật Bản đang tính đến kịch bản cho một tương lai dân số không phát triển với sự trợ giúp của robot – những robot di chuyển bằng bánh xe, những robot có hình dáng giống con người, một số có thể khéo léo giúp con người những thao tác khó như mặc quần áo.

Người Nhật Bản rất hài lòng khi cho ra đời được những robot có hình dáng giống như con người. Robot Asimo của hãng Honda có thể nhảy múa và phục vụ trà. Hãng Toyota có robot có thể chơi nhạc với vĩ cầm. Giáo sư Isao Shimoyama, Chủ nhiệm khoa Công nghệ và Khoa học thông tin thuộc Đại học Tokyo thừa nhận hiện là thời điểm mà con người ít có sự lựa chọn nào khác ngoài sự trợ giúp từ những robot. Giáo sư Shimoyama nằm trong nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Tokyo hiện đang hợp tác với 7 công ty hàng đầu Nhật Bản, trong đó có cả Toyota Motor, Fujitsu và Mitsubishi, để phát triển công nghệ thông tin và người máy.

Chính phủ thích chi tiền cho phát triển robot hơn là cho tiếp nhận người nhập cư, vì robot không phát sinh vấn đề chính trị. Ngành khoa học đang tiến như vũ bão, nên không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ cho ra đời những con robot thông minh như người. Nhưng robot đơn giản là sẽ không thể làm mọi việc để đối phó với những vấn đề về công việc và gia đình. Robot không thể sinh con. Nhiều kỹ sư cũng cho rằng đó chỉ là “những robot phục vụ”, vô cảm với con người. “Robot có thể hữu ích, nhưng chúng không thể giúp vượt qua vấn đề dân số ngày càng giảm”, một số nhà phê bình nói. “Chính phủ nên chi nhiều hơn tiền cho việc tuyển lựa, đào tạo và chăm sóc những người nhập cư”.

Vấn đề là lực lượng lao động Nhật Bản thậm chí còn bị cắt giảm nhanh hơn do tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đã giảm liên tục trong 26 năm qua. Theo Hãng tư vấn và phân tích kinh tế Goldman Sachs, trong vòng 20 năm tới, lực lượng lao động sẽ giảm 10% và Nhật Bản sẽ chỉ có 2 lao động trên một người về hưu; trong 50 năm nữa là 2 người về hưu trên 3 lao động. Hệ thống chi trả lương hưu và chăm sóc y tế sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Robot có thể giúp chính phủ đối phó với nguy cơ này - Masakatsu G. Fujie, một giáo sư về cơ khí tại Đại học Waseda ở Tokyo nói. Ông cho rằng các robot dịch vụ có thể giúp giảm chi phí của chính phủ trong vấn đề chăm sóc y tế, đảm nhận những công việc đang thiếu nhân lực và tiếp thêm “sinh khí xã hội” cho Nhật Bản. Đó là lý do mà trước mắt, chính phủ Nhật Bản vẫn “đặt cược” vào robot.

Nguyễn Viết
Sưu tầm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm