1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản "tố" tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải trong thời gian kỷ lục

(Dân trí) - Nhật Bản cáo buộc các tàu tuần duyên của Trung Quốc 2 lần xâm phạm lãnh hải trong vòng 4 ngày qua, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Nhật Bản tố tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải trong thời gian kỷ lục - 1

Quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý (Ảnh: Asahi Shimbun)

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, các tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ 4 km.

Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo không người ở, nhưng Nhật Bản quản lý quần đảo này kể từ năm 1972.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo đã tiếp tục gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh về sự diện diện của các tàu Trung Quốc.

Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, các tàu của chính phủ Trung Quốc đã 84 ngày xuất hiện trong vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng các vụ xâm nhập lãnh hải là một bước gia tăng căng thẳng mới.

Phía Nhật Bản cho hay, 2 vụ xâm nhập của các tàu Trung Quốc kể từ ngày 2/7 - kéo dài lần lượt là 30 và 40 giờ - là các khoảng thời gian lâu nhất mà các tàu chính phủ Trung Quốc từng xuất hiện bên trong vùng biển của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong các vụ việc này, các tàu Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản, cách quần đảo chỉ từ 6-10 km.

Khoảng cách gần như vậy giữa hai bên có thể khiến các tàu có nguy cơ va chạm, có thể làm gia tăng căng thẳng cao độ nếu một cuộc đối đầu quân sự xảy ra.

Một viễn cảnh như vậy cũng đã gây lo ngại trong khu vực, có thể đẩy căng thẳng leo thang đáng báo động. Theo một hiệp ước quốc phòng song phương giữa Mỹ và Nhật Bản, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ quần đảo như một phần của lãnh thổ Nhật Bản.

Mâu thuẫn giữa Tokyo và Bắc Kinh quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã âm ỉ nhiều năm qua. Nhưng căng thẳng đã gia tăng hồi tháng trước, khi hội đồng thành phố Okinawa phê chuẩn luật thay đổi vị thế hành chính của quần đảo,  khẳng định nó là phần của lãnh thổ Nhật Bản. Động thái này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh.

Quan hệ quốc phòng giữa Nhật Bản và Ấn Độ đang được tăng cường cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh. Hồi cuối tháng trước, các tàu huấn luyện của lực lượng tự vệ biển Nhật Bản đã tập trận với các tàu hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Khi được hỏi về việc liệu có bất kỳ sự liên hệ nào giữa các hành động ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư với tranh chấp biên giới Trung - Ấn ở dãy Himalaya hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho rằng khu vực cần làm tốt hơn việc đánh giá các ý đồ của Trung Quốc.

“Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng ở biên giới Ấn Độ, tại Hong Kong, tại Hoa Đông và Biển Đông. Vì vậy, rất dễ để liên hệ các vấn đề này với nhau”, ông Kono nói.

An Bình

Theo AFP, Asahi