1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản tổ chức hội chợ vũ khí hàng hải

(Dân trí) - Nhật Bản ngày 13/5 đã khai trương hội chợ thương mại quân sự đầu tiên, tập trung chủ yếu vào vũ khí hàng hải, trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong khu vực ngày càng gia tăng.

Hội chợ vũ khí đầu tiên tại Nhật Bản khai trương hôm 13/5. (Ảnh:

Hội chợ vũ khí đầu tiên tại Nhật Bản khai trương hôm 13/5. (Ảnh: AFP)

Hội chợ kéo dài 3 ngày được tổ chức bởi một công ty tư nhân Anh với sự trợ giúp của Bộ thương mại và Bộ quốc phòng Nhật Bản. Đây được coi là một trong những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm nâng cao vai trò và tiềm lực cho quân đội Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã nới lỏng các quy định đối với ngành công nghiệp sản xuất vũ khí trong nước, cho phép nước này xuất khẩu nhiều vũ khí hạng nặng ra nước ngoài.

Những quy định mới cho phép Tokyo cung cấp vũ khí cho các quốc gia có biên giới trên biển để đối phó với nạn cướp biển. Đây sẽ là một chiến lược quan trọng cho một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản.
 
“Đây là cơ hội tốt để một công ty nhỏ như chúng tôi có thể quảng bá tên tuổi và sản phẩm của mình”, ông Susumu Kasai, nhân viên của công ty ShinMaywa sản xuất máy bay lội nước US-2 cho Lực lượng tự vệ bờ biển Nhật Bản, cho biết.

Giới truyền thông cho biết US-2 có thể trở thành thiết bị quân sự sản xuất tại Nhật Bản đầu tiên được xuất khẩu theo các quy định mới.

“Hiện chính phủ Nhật Bản và Ấn Độ đang đàm phán về vấn đề này và nếu đi đến thống nhất, chúng tôi sẽ có thể xuất khẩu các sản phẩm của mình”, ông Kasai cho hay.

Quan chức bộ quốc phòng Toru Hotchi cho biết: “Đây là một hội chợ vũ khí hàng hải và vì quân sự hàng hải rất quan trọng đối với Nhật Bản, chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho sự kiện”.

Theo các quy định xuất khẩu vũ khí mới của Nhật Bản, các đơn hàng mua bán vũ khí vẫn bị nghiêm cấm đối với các quốc gia hiếu chiến, có thể phá hoại hòa bình và an ninh quốc tế. Mọi đơn hàng mua bán phải đóng góp cho hòa bình quốc tế và củng cố an ninh của Nhật Bản.

Ông Abe đã sẵn sàng trình các dự thảo về an ninh mới lên Quốc hội, trong đó ủng hộ quyết định của nội các năm ngoái về việc mở rộng phạm vi “phòng thủ chung”, nhằm giúp quân đội Nhật Bản dễ dàng bảo vệ các đồng minh của mình.

Trong khi Mỹ lên tiếng ủng hộ bước đi này, Thủ tướng Abe phải đối mặt với sự phản đối từ quần chúng trong nước vốn muốn duy trì hiến pháp hòa bình của quốc gia.

Ông Abe cũng vấp phải chịu sự chỉ trích từ phía Trung Quốc, vốn cho rằng đây là tham vọng ngấm ngầm của Nhật Bản nhằm phá bỏ thỏa thuận hậu Thế chiến II và khôi phục chủ nghĩa quân phiệt trước kia. Thủ tướng Abe và những người ủng hộ ông kiên quyết phủ nhận cáo buộc này.

Nghi Phương
Theo AFP