1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản tính tấn công căn cứ tên lửa Triều Tiên?

(Dân trí) - Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết ông đang tính đến phương án cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể tấn công trực tiếp các căn cứ tên lửa của Triều Tiên trong bối cảnh mối đe dọa từ chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng ngày càng có xu hướng gia tăng.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (Ảnh: Reuters)
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông hôm 4/8, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết ông sẽ cân nhắc phương án để cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể đạt được khả năng tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào các căn cứ tên lửa của Triều Tiên.

“Chúng ta nên xem xét khả năng đó từ góc độ rằng Nhật Bản có thể làm gì để tăng cường năng lực đánh chặn của liên minh Mỹ - Nhật, đồng thời bảo vệ mạng sống và tài sản của người dân Nhật Bản”, Bộ trưởng Onodera cho biết.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản vẫn rất cẩn trọng trong việc lựa chọn ngôn từ khi trả lời phỏng vấn về khả năng tấn công quân sự Triều Tiên vì Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này phát động hoặc tham gia vào một cuộc chiến tranh.

Theo đó, Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh ông sẽ tạo điều kiện cho các cuộc tranh luận để tìm ra cách thức nâng cao “năng lực tổng thể của Nhật Bản trong việc đối phó với tên lửa đạn đạo của Triều Tiên”.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo sau lễ tưởng niệm 72 năm ngày Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn khẳng định ở thời điểm hiện tại, ông “chưa có kế hoạch” cho phép Lực lượng Phòng vệ phát triển năng lực để tiến hành các cuộc tấn công vào các nước khác.

Những hạn chế do quy định của Hiến pháp

Tàu khu trục lớp Asagiri JDS Umigiri của Nhật Bản neo đậu tại căn cứ hải quân Sydney hồi tháng 4/2016 (Ảnh: AFP)
Tàu khu trục lớp Asagiri JDS Umigiri của Nhật Bản neo đậu tại căn cứ hải quân Sydney hồi tháng 4/2016 (Ảnh: AFP)

Quan điểm của Bộ trưởng Onodera về khả năng tấn công quân sự Triều Tiên vẫn đang là chủ đề gây chú ý tại Nhật Bản. Trước đó, hồi tháng 3, ông Onodera từng đề xuất rằng Nhật Bản nên sở hữu các tên lửa hành trình tầm xa có khả năng tấn công các vị trí ở Triều Tiên.

Ông Onodera, người vừa được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng sau vụ lùm xùm của người tiền nhiệm, là thành viên chủ chốt của ủy ban an ninh thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Ủy ban này từng đưa ra đề xuất cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản “phản công” đối phương trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công, thay vì tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào nước khác.

Đề xuất này được đưa ra để khắc phục những hạn chế theo quy định của Điều 9 Hiến pháp. Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã nhất trí rằng các cuộc phản công về lý thuyết vẫn có thể chấp nhận được theo quy định của Hiến pháp, tuy nhiên điều đó sẽ đi ngược lại các chính sách hòa bình mà Nhật Bản vẫn duy trì từ nhiều năm nay.

Mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên đã khiến chính phủ Nhật Bản phải vào cuộc để đảm bảo cho sự an toàn của người dân. Mới đây, người dân sống tại khu vực bờ biển tây bắc của Nhật Bản được yêu cầu tham gia một cuộc diễn tập với tình huống giả định là xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua những người dân sống ở khu vực này được yêu cầu tham gia diễn tập. Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên thời gian qua liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa và tuyên bố phóng thành công 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa trong tháng 7. Tất cả các tên lửa của Bình Nhưỡng đều được phóng về phía Nhật Bản.

Thành Đạt

Theo Japan Times