1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật Bản tiết lộ kế hoạch “trình làng” chiến đấu cơ tàng hình

(Dân trí) - Nhật Bản đang tìm cách bắt kịp Mỹ, Trung Quốc và Nga bằng một chiến đấu cơ tàng hình mà giới chức cho hay một mẫu máy bay chiến đấu thử nghiệm sẽ ra đời trong 3 năm tới, đẩy mạnh cuộc đua khốc liệt nhằm giành ưu thế trên không ở Thái Bình Dương.

 
Nhật Bản tiết lộ kế hoạch “trình làng” chiến đấu cơ tàng hình  - 1
Mô hình một chiến đấu cơ tàng hình tự chế của Nhật Bản được trưng bày năm 2006.

Trung tướng Hideyuki Yoshioka, giám đốc phát triển hệ thống trên không thuộc Bộ quốc phòng Nhật Bản, cho hay mẫu chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên do nước này tự chế tạo có thể cất cánh vào năm 2014.

Ông Yoshioka cho biết Nhật đã giành 473 triệu USD cho dự án kể từ năm 2009, sau khi Mỹ không có ý định bán chiến đấu cơ F-22 "Raptor" - loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ - cho phía Nhật Bản vì lệnh cấm xuất khẩu của quốc hội.
 
“Chúng tôi đã thực hiện dự án được 2 năm và chúng tôi đang đi đúng kế hoạch”, ông Yoshioka nói và cho biết thêm rằng máy bay có thể mang tên Shinshin (Có nghĩa Spirit trong tiếng Anh - hay “Tinh thần”) .

Tuy nhiên, ông Yoshioka nhấn mạnh rằng nếu chuyến bay thử nghiệm của chiếc máy bay nguyên mẫu thành công, điều đó không có nghĩa là Nhật Bản sẽ ngay lập tức chế tạo chiến đấu cơ tàng hình. Nguyên mẫu chỉ nhằm để thử nghiệm các công nghệ tiên tiến, và nếu thành công, chính phủ sẽ quyết định các kế hoạch tiếp theo vào năm 2016.

Nhật Bản đang cảm nhận được sức ép về một cuộc đua trong khu vực nhằm giành ưu thế về máy bay chiến đấu.

“Nếu các quốc gia xung quanh Nhật Bản có khả năng chế tạo chiến đấu cơ tàng hình, Nhật Bản cũng cần tự phát triển khả năng này để đảm bảo sự phòng thủ của chính mình”, Đại tá Yoshikazu Takizawa, từ Viện phát triển và nghiên cứu kỹ thuật thuộc Bộ quốc phòng, nói.

Nhật Bản phụ thuộc lớn về phòng thủ vào liên minh với Mỹ, nước hiện đang có các máy bay chiến đấu và các máy bay khác, cùng khoảng 50.000 binh sĩ, đồn trú quanh quần đảo Nhật Bản.

Nhưng liên minh này, và do nguồn kinh phí tương đối hạn hẹp của Nhật, không đủ thuyết phục Mỹ để Tokyo có được chiến đấu cơ F-22 "Raptor". Quốc hội Mỹ đã liên tục bác bỏ ý tưởng xuất khẩu máy bay này do lo ngại rằng F-22 chứa đựng quá nhiều công nghệ bí mật để có thể chia sẻ thậm chí với các bạn bè thân thiết nhất của Washington.

“Nhật Bản muốn F-22, nhưng Quốc hội Mỹ không đồng ý điều đó. Chúng tôi đã nhận ra rằng việc chúng tôi tự phát triển khả năng nội địa là rất quan trọng”, ông Yoshioka, nói.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga, đã đạt được các bước tiến lớn về các chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến có thể cạnh tranh với F-22, đi đôi với những tiến bộ nhanh chóng khác hiện đang được tiến hành, đặc biệt là Trung Quốc. Điều đó làm mất thăng bằng cán cân quyền lực khu vực.

Trung Quốc đã khiến giới chuyên gia bất ngờ khi đưa chiến đấu cơ tàng hình Chengdu J-20 bay thử nghiệm hồi tháng 1 giữa lúc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates có chuyến thăm cấp cao nước này.

J-20 giống F-22 ở nhiều điểm và đã khiến các nhà hoạch định quân sự Nhật và Mỹ bị sốc vì sự phát triển nhanh hơn dự đoán. Chuyến bay đầu tiên diễn ra giữa lúc lo ngại gia tăng về chi tiêu quốc phòng, hiện đại hóa quân đội nói chung và lập trường ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh về các vấn đề lãnh thổ.

Mặc dù J-20 vẫn còn nhiều năm nữa mới sẵn sàng chiến đấu nhưng nó có thể thúc đẩy các nỗ lực nhằm kiểm soát các cuộc xung đột tiềm năng và cải thiện mạnh mẽ hệ thống phòng không của Trung Quốc.

Còn chiếc máy bay chiến đấu mới của Nga, Sukhoi T-50, đã cất cánh hồi năm ngoái. Nó được phối hợp phát triển với không quân Ấn Độ. T-50 không chỉ được xem là một cú hích cho sức mạnh không quân Nga mà còn là mối lo ngại của Nhật Bản vì quần đảo tranh chấp giữa 2 nước ở Thái Bình Dương và cũng là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Nga muốn xuất khẩu nhiều chiến đấu cơ hiện đại ra nước ngoài.

Trong khi đó, không quân Nhật Bản lại đang “già hóa” nhanh chóng.

Toky muốn thay thế các chiến đấu cơ F-4EJ và F-15 bằng máy bay hiện đại hơn, có thể là F-35 của Mỹ hay Typhoon của châu Âu. Một kế hoạch bị trì hoãn từ lâu trị giá hàng tỷ USD về loại máy bay mà Tokyo lựa chọn dự kiến sắp được công bố. Tuy nhiên, việc phát triển chiến đấu cơ tàng hình không nhằm mục đích thay thế các kế hoạch này.

Thay vào dó, một chiến đấu cơ tàng hình tự chế có thể là “kẻ thế chân” một loại máy bay chiến đấu thứ 3 mà Nhật Bản sử dụng, F-2 - máy bay tiêm kích do Nhật Bản-Mỹ hợp tác nghiên cứu sản xuất.

Các quan chức nhấn mạnh rằng một việc nữa cũng rất quan trọng là Nhật Bản phải tăng cường khả năng của các kỹ sư nhằm chế tạo một máy bay chiến đấu hiện đại nếu các nguồn lực nước ngoài từ chối bán, như Washington không bán F-22.

Một vấn đề lớn nữa cần cân nhắc là tiền.

Bộ quốc phòng Nhật Bản hi vọng rằng tác động kinh tế của việc nghiên cứu, phát triển và chế đạo chiến đấu cơ tàng hình nội địa có thể đạt 101 tỷ USD và tạo ra 240.000 việc làm.

An Bình
Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm