1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nhật Bản thúc đẩy hoạt động đào tạo và sử dụng nguồn lao động Việt Nam

Thành Đạt

(Dân trí) - Tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết, các thực tập sinh kỹ năng và lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội của nước này.

Nhật Bản thúc đẩy hoạt động đào tạo và sử dụng nguồn lao động Việt Nam - 1

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki trong cuộc gặp báo chí ngày 28/6 (Ảnh: Thành Đạt).

Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 28/6 nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam trên cương vị Đại sứ Nhật Bản, Đại sứ Ito Naoki nhấn mạnh "quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay".

Đại sứ Ito nhắc lại rằng, với tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được nâng cấp lên thành "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới" trong năm 2023. Sự kiện này đánh dấu kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như 10 năm hai nước thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á".

"Điều này có nghĩa là mối quan hệ đối tác đã trở nên sâu sắc hơn từ "vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" đến "vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới". Điều này cũng có nghĩa Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau nỗ lực và hợp tác giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, góp phần giải quyết những vấn đề chung của thế giới. Điều này cho thấy trong vòng 10 năm qua, vai trò và vị thế của Việt Nam tại ASEAN và trên thế giới đã nâng cao. Việt Nam có nền kinh tế ngày càng phát triển và đã trở thành đối tác được nhiều nước trên thế giới tin cậy", Đại sứ Ito nhấn mạnh.

Với việc hai nước nâng cấp quan hệ thành "Đối tác chiến lược toàn diện", Đại sứ Ito cho rằng điều này có nghĩa là Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện hơn nữa. Hai nước sẽ cùng xây dựng mối quan hệ để có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực rộng lớn hơn và công việc quan trọng nhất của Đại sứ chính là cụ thể hóa "Đối tác chiến lược toàn diện" này hướng đến 50 năm tiếp theo.

"Hợp tác giữa hai nước chúng ta hiện trải dài trên mọi lĩnh vực và chúng ta cũng cần hợp tác trên các lĩnh vực mới", Đại sứ Ito cho hay.

Hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Về thương mại và đầu tư, Đại sứ Ito nói rằng hai nước vẫn còn dư địa và tiềm năng to lớn để chính phủ và các doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác và mở rộng mối quan hệ.

Theo Đại sứ Ito, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn, vì vậy số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, ước tính hiện tại có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp.

Đại sứ Ito chỉ ra rằng Việt Nam có 3 điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Thứ nhất nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng vững chắc và thị trường ở Việt Nam rất lớn, thứ hai Việt Nam được các doanh nghiệp coi là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ở châu Á, thứ 3 là lao động Việt Nam rất siêng năng cần cù và hiệu quả cao.

Theo kết quả khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), khi các doanh nghiệp Nhật Bản trả lời câu hỏi nước nào họ muốn đầu tư nhất trên thế giới, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2. Đại sứ Ito nói rằng 60% số doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam cho biết họ có mong muốn mở rộng đầu tư.

Ngoài các lĩnh vực truyền thống, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào những lĩnh vực mới cũng gia tăng. Trong bối cảnh tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng tăng và sức mua tăng, đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng cũng tăng. Một lĩnh vực khác mà các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang quan tâm tại Việt Nam là phát triển đô thị và khu dân cư.

Về kinh tế, Nhật Bản mong muốn tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, hướng đến mục tiêu to lớn và tham vọng mà Việt Nam đặt ra là trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Đại sứ Ito cho biết, trong 30 năm qua, ODA của Nhật Bản tại Việt Nam đã đạt được những kết quả vô cùng to lớn. Quan chức Nhật Bản mong muốn làm sôi động trở lại hợp tác thông qua ODA, và không chỉ dừng lại việc vận dụng công nghệ, kỹ thuật của Nhật Bản trong hợp tác hạ tầng mà còn hợp tác trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế, giáo dục và mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực này là điều quan trọng.

Về an ninh - quốc phòng, Đại sứ Ito đánh giá rằng hai bên còn nhiều dư địa để hợp tác, không chỉ ở cấp nhà nước, chính phủ, mà còn cả khu vực tư nhân. Nhật Bản đã, đang và sẽ cung cấp trang thiết bị về an ninh quốc phòng cho Việt Nam, bao gồm lĩnh vực an ninh hàng hải.

Hai nước cũng hợp tác về mặt kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng. Năm ngoái, Nhật Bản chuyển giao công nghệ chống gỉ sét cho các tàu của Việt Nam.

Nhật Bản đã ký kết hợp tác với Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam để cung cấp thông qua hình thức viện trợ vốn vay đóng mới 6 tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam.

Ngoài ra, hai bên còn thúc đẩy các hoạt động hợp tác khác như giao lưu. Các tàu huấn luyện của Nhật Bản cũng cập cảng Việt Nam để giao lưu và trong thời gian tới những hoạt động giao lưu này cũng sẽ được tăng cường và mở rộng.

Đại sứ Ito nhấn mạnh, chính phủ Nhật Bản đang thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng luật pháp quốc tế. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là một đối tác vô cùng quan trọng để thực hiện chiến lược này.

Về giao lưu nhân dân, Đại sứ Ito cho biết năm 2023 là năm Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 500 sự kiện kỷ niệm đã được tổ chức, tiêu biểu là chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và công nương, cùng với đó, vở opera "Công nữ Anio" được công diễn trong dịp này đã thành công rực rỡ. Việc thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa, giao lưu học thuật, giao lưu nhân dân dựa trên những thành công của năm kỷ niệm 50 năm vừa qua là điều quan trọng.

Theo Đại sứ Ito, để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, sự thấu hiểu và ủng hộ của người bạn thân thiết là nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, là điều không thể thiếu. Đại sứ quán Nhật Bản mong muốn trở thành nơi tiếp đón người dân Việt Nam và trung tâm thông tin văn hóa của Đại sứ quán là ví dụ rõ ràng của một Đại sứ quán rộng mở góp phần giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Tăng cường đào tạo và sử dụng lao động Việt Nam

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết Nhật Bản vẫn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đào tạo và sử dụng nguồn lao động Việt Nam.

Theo ông Ito, hiện có khoảng 570.000 người Việt đang sinh sống ở Nhật Bản, trong đó có 420.000 người đến Nhật Bản với mục đích làm việc, đứng đầu trong số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản.

Đại sứ Ito cho biết Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề dân số giảm, già hóa dân số và thiếu lực lượng lao động. Do vậy, các thực tập sinh kỹ năng và lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Nhật Bản. Trong tương lai, việc lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc vẫn có tầm quan trọng rất lớn.

Đại sứ Ito nói rằng người lao động Việt Nam đang làm việc ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau tại Nhật Bản như hộ lý, sản xuất nông nghiệp, chế tạo công nghiệp, chế biến thực phẩm…

"Chính phủ Nhật Bản mong muốn tạo môi trường làm việc an toàn, an tâm để người lao động Việt Nam cảm thấy hạnh phúc khi làm việc ở đây", nhà ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh.

Chính phủ Nhật Bản cũng nỗ lực để cải thiện cơ chế tiếp nhận lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Kể từ năm 2019, các lĩnh vực mà người Việt Nam được tiếp nhận làm việc tại Nhật Bản đã được mở rộng hơn.

Đại sứ Ito cho biết Nhật Bản cũng có cơ chế nhằm cho phép các thực tập sinh kỹ năng có chuyên môn được ở lại lâu hơn, có nhiều quyền lợi được đảm bảo hơn, giúp họ tăng cường kỹ năng nghề nghiệp tại Nhật Bản để ngay cả khi về nước, họ sẽ phục vụ cho nhu cầu nhân lực của Việt Nam, cũng như làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư hoạt động ở Việt Nam.

Theo Đại sứ Ito, đây là vòng tuần hoàn rất tốt và tạo ra mối quan hệ hai bên cùng có lợi cho cả Nhật Bản và Việt Nam.

Đại sứ Ito chia sẻ rằng, Nhật Bản đang đầu tư phát triển công nghệ cao, bao gồm những dự án quy mô lớn về bán dẫn. Do vậy, Nhật Bản đang đào tạo nguồn nhân lực cả trong nước và nước ngoài để phục vụ cho lĩnh vực này.

Đại sứ hy vọng trong thời gian tới, các lao động kỹ năng cao của Việt Nam có thể sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực bán dẫn. Khi Việt Nam thu hút được đầu tư từ các nước khác vào lĩnh vực bán dẫn, các lao động Việt Nam từng làm việc trong lĩnh vực bán dẫn tại Nhật Bản có thể quay trở về để đóng góp cho lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Đây là một chu kỳ hợp tác rất tốt giữa hai nước, theo Đại sứ Ito.

Tháng 3 năm nay, hai nước nhất trí triển khai Sáng kiến chung Việt - Nhật trong kỷ nguyên mới, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong ngành công nghệ cao. Trong khuôn khổ sáng kiến này, các cơ quan chính phủ Nhật Bản và Việt Nam cũng như doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội ngồi lại, trao đổi ý kiến và thảo luận nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

"Tôi hy vọng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới", Đại sứ Ito cho biết thêm.

Đại sứ Ito Naoki cho biết ông mới đến Việt Nam nên chưa có dịp đi nhiều nơi để trải nghiệm. Đại sứ chia sẻ ấn tượng ban đầu của ông là dân số Việt Nam rất trẻ, điều này sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Đại sứ Ito nhận thấy Hà Nội là nơi có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại rất rõ rệt. Đây là điểm chung giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam có nét tương đồng là người dân đều thích ăn các loại mì. Vì vậy, trong thời gian công tác ở đây, Đại sứ muốn thưởng tất cả các loại mì, bún, phở… ở Việt Nam để so sánh từng loại hương vị khác nhau.

Trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ cũng muốn khám phá xem người trẻ Việt Nam thích âm nhạc gì, ngoài âm nhạc cổ truyền.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm