1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh với các nước lớn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhật Bản đang tăng cường hợp tác an ninh với các nước từ Australia tới châu Âu để không chỉ phụ thuộc vào quan hệ đồng minh với Mỹ trong nỗ lực đối phó với thách thức trong khu vực.

Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh với các nước lớn - 1

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bắt tay sau khi ký thỏa thuận quốc phòng trong cuộc gặp song phương tại London tuần trước (Ảnh: AFP).

Trong chuyến đi công du tới các nước G7 tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng an ninh của châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là không thể chia cắt. Ông Kishida và Thủ tướng Anh Rishi Sunak ký kết thỏa thuận quân sự quan trọng, trong đó có điều khoản cho phép hai nước triển khai lực lượng vũ trang đến lãnh thổ của nhau. Ông Kishida cũng đồng thuận với nhà lãnh đạo Italy Giorgia Meloni nhằm nâng cấp quan hệ quốc phòng.

Mối quan hệ liên minh của Nhật Bản với Mỹ với "chiếc ô hạt nhân" của Washington vẫn là nền tảng trong chiến lược an ninh của Nhật Bản. Tuy nhiên, theo giới quan sát, để đối phó với thách thức ngày càng gia tăng từ các đối thủ trong khu vực - như Trung Quốc - Nhật Bản đã quyết định tăng cường hợp tác an ninh với các nước lớn khác nhằm tạo ra những bức tường thành mới để bảo vệ các lợi ích của nước này.

Chuyên gia Euan Graham, từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: "Nhật Bản không thể hoàn toàn chỉ dựa vào Mỹ. Họ cần thêm sự hỗ trợ khác từ Canada và các nước G7".

Tâm lý lo ngại của Nhật Bản gia tăng sau những diễn biến khó lường trên thế giới và trong khu vực thời gian qua như chiến sự Nga - Ukraine, tình hình bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt, căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan leo thang - trong đó các cuộc tập trận của Trung Quốc đã khiến tên lửa bay tới vùng biển gần Nhật Bản. Năm ngoái, ông Kishida trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên dự thượng đỉnh NATO.

Trong thời gian qua, Nhật Bản đã quyết định hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh và Italy, thay vì Mỹ. Nhật Bản chuẩn bị đàm phán một thỏa thuận bảo mật thông tin với Canada như một phần của kế hoạch hành động chung được ký kết vào năm ngoái, bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung và trao đổi quốc phòng.

Nhật Bản tăng cường bắt tay với các thành viên G7 sau khi Tokyo tăng cường hợp tác với Australia. Năm ngoái, 2 nước đã ký một thỏa thuận quốc phòng, trong đó cam kết tăng cường tương tác giữa các lực lượng của họ.

Theo phó giáo sư Amy King từ Đại học Quốc gia Australia, việc Nhật Bản tiếp cận với các đối tác như Australia và Anh dường như là động thái bảo đảm trong kịch bản tầm ảnh hưởng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương bị suy giảm.

Tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia hiện diện quân sự lớn nhất ở châu Á, cung cấp sự bảo vệ cho các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản. Tuy nhiên, những lo ngại về sự trỗi dậy trở lại của chiến lược "Nước Mỹ trên hết" trong những người thuộc phe bảo thủ ở Mỹ dường như đã khiến Nhật Bản tìm đến các đối tác an ninh khác để đề phòng.

Chuyên gia King nói: "Nhật Bản đang đa dạng hóa các đối tác mà họ hợp tác. Họ không muốn đặt tất cả trứng vào giỏ của Mỹ nữa".

Theo Bloomberg