Nhật Bản tăng cường hiện diện ở Trung Đông để cạnh tranh với Trung Quốc?
(Dân trí) - Nhật Bản đồng ý hỗ trợ Ả Rập Xê Út phát triển công nghệ năng lượng mặt trời, trong bối cảnh Tokyo lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh tại Trung Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 17/7 đã có cuộc hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman tại thành phố Jeddah, thủ phủ thương nghiệp của Ả Rập Xê Út, trong chuyến thăm chính thức.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ký kết 26 biên bản ghi nhớ hợp tác, trong đó tập trung phần lớn vào hai lĩnh vực thương mại và năng lượng.
Nhật Bản đồng ý cung cấp công nghệ năng lượng xanh để hỗ trợ Ả Rập Xê Út đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định trong quá trình tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch.
Đồng thời, Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dầu mỏ Ả Rập Xê Út đối với quốc gia Đông Á, qua đó thể hiện mong muốn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ với số lượng và giá thành ổn định, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chưa chấm dứt.
Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thiết lập đối thoại chiến lược ở cấp bộ trưởng ngoại giao nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác song phương.
"Chúng tôi đang chuyển đổi từ mối quan hệ giữa một nhà nhập khẩu và một nhà xuất khẩu dầu mỏ sang mối quan hệ đối tác toàn cầu mới cho kỷ nguyên khử cacbon", Thủ tướng Kishida cho biết.
Cuộc hội đàm trên diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản lo ngại sâu sắc về tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của ngoại giao và quân sự Trung Quốc tại Trung Đông.
Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng ở Trung Đông nhờ khả năng tiêu thụ dầu lớn. Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông bằng việc tăng cường vai trò ngoại giao trong các vấn đề nội bộ khu vực, gần đây nhất là trong các thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út và Iran, cũng như xung đột kéo dài tại Yemen.
Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu tại Đại học Temple (Mỹ), nhận định Trung Quốc đã tích cực mở rộng cơ sở hạ tầng cho sáng kiến Vành đai, con đường nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu phát triển, và nhờ đó đẩy mạnh hoạt động tại châu Phi và Trung Đông.
"Đối với Trung Quốc, các kết nối quan trọng nhất thông qua các thỏa thuận Vành đai, con đường là ở châu Âu và Trung Đông, nhưng sau đó sẽ mở rộng sang châu Phi", ông Kingston nói.
Trước tình hình đó, Nhật Bản tin rằng Ả Rập Xê Út có thể là bàn đạp để Trung Quốc tiếp cận gần hơn tới châu Phi. Bởi vậy, Nhật Bản rất muốn đối trọng sự ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các sáng kiến ngoại giao và coi việc thắt chặt quan hệ với Ả Rập Xê Út là vấn đề cấp thiết.
Tố Uyên
Theo SCMP