1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật Bản tái vũ trang: "Điềm" lành hay gở?

Thực ra thủ tướng Nhật Bản Abe đã tranh thủ được các điều kiện mới của thế giới và khu vực để cụ thể hóa chính sách tái vũ trang của mình.

Diễn biến mới nhất tại Nhật Bản khi thủ tướng Abe áp dụng "cách diễn giải mới" với Hiến pháp Nhật Bản là tâm điểm chú ý của cả thế giới, nhất là trong bối cảnh các cuộc xung đột nhỏ trong khu vực có thể châm ngòi cho một lò lửa vũ trang mới.

Ít người biết rằng toàn bộ Hiến pháp của Nhật từ năm 1945 là do người Mỹ soạn thảo, và từ đó tới nay nó chưa từng trải qua một lần sửa đổi nào. Và cũng ít người biết rằng việc "diễn giải mới" này của thủ tướng Abe không phải là động thái quá ư cực đoan, mà là một mắt xích trong diễn tiến chính trị của Nhật và khu vực.

Hiến pháp hòa bình

Nhật Bản là một trong những nước thua cuộc trong chiến tranh thế giới thứ 2. Tháng 8/1945, khi phải đối diện với khả năng Hồng quân Liên Xô đang nhanh chóng tràn xuống và biến Nhật Bản thành một quốc gia trong khối Cộng Sản, Nhật Hoàng và bộ máy quân sự Nhật tính toán rằng đầu hàng Mỹ là biện pháp "an toàn" hơn rất nhiều.

Và chỉ trong một thời gian vài tuần ít ỏi, bộ máy chiếm đóng của Mỹ tại Nhật đã hoàn thành bản Hiến pháp mới của Nhật. Ngoại trừ việc chấp nhận sự tồn tại của Nhật Hoàng như là một biện pháp để trấn an người dân Nhật, hầu như tất cả các nội dung khác của bản Hiến pháp này không khác mấy so với bản Hiến pháp Mỹ: bảo đảm các quyền tự do cơ bản của con người, quyền bình đẳng cho phụ nữ, quy định mức lương tối thiểu cho công nhân...

Cộng với điều 9 - điều khoản hòa bình - thì đây có thể coi là bản Hiến pháp thân thiện và tiến bộ nhất trên thế giới. Bản Hiến pháp này đã tạo điều kiện cho Nhật Bản tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, và kỹ thuật, đồng thời cho người dân một sự bảo đảm an ninh gần như tuyệt đối.

Khi bản Hiến pháp mới ra đời năm 1945, phần lớn người dân Nhật hoan nghênh nó, và Nhật Hoàng cũng như Nghị viện Nhật nhất trí thông qua ngay lập tức. Điều đó rất dễ hiểu. Người dân đã chịu quá nhiều tổn thất và mất mát trong chiến tranh.

Từ khi xảy ra vụ Trân Châu Cảng cuối năm 1942 cho tới giữa năm 1945, Mỹ đã ném bom rải thảm phá hủy khoảng 95% thành phố của Nhật. Thêm hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, người dân Nhật gần như không còn nhu cầu phản kháng, và chỉ hai tiếng "chiến tranh" cũng đã khiến họ khiếp hãi. Quân đội Nhật rệu rã và phân hóa: một bộ phận quyết tử, bộ phận còn lại lên án chính sách quân sự của Nhật Hoàng...

Trong bối cảnh này, một bản hiến pháp hòa bình là cái mà người Nhật trông đợi. Từ đó tới nay, bản hiến pháp hòa bình và tiến bộ này chưa trải qua dù chỉ một lần sửa đổi. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ, đặc biệt là điều 9, đều được giữ nguyên trạng.

Nhật Bản tái vũ trang: Điềm lành hay gở?

Nhật Bản đứng thứ 6 trên thế giới về chi phí quân sự (ngang với Pháp) chỉ để trang bị và hiện đại hóa lượng "tự vệ"

Tỉnh táo xem xét tình hình

Mặc dù người dân Nhật chấp nhận bản hiến pháp, tự hào vì nó "hòa bình" nhưng không phải ai cũng thích cảm giác phụ thuộc về an ninh vào một nước khác. Điều 9 "nguyên bản" được dịch ra như sau: "Người dân Nhật mãi mãi lên án chiến tranh và việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế. Để thực hiện được điều này, Nhật Bản sẽ không xây dựng lực lượng vũ trang gồm hải quân, không quân, và bộ binh và bất kể phương tiện nào có thể dùng để tiến thành chiến tranh. Nhà nước [Nhật] không được quyền tham chiến."

Có thể thấy, nếu thực hiện đúng như bản hiến pháp này yêu cầu, Nhật Bản dù kinh tế cường thịnh bao nhiêu, cũng chỉ là "người khổng lồ không răng không móng" và có thể bị đè bẹp bất kì lúc nào. Chính vì nhận thức được vấn đề, các chính quyền Nhật Bản qua thời gian đã tìm cách "kéo giãn" điều 9. Một trong những bước đi quan trọng nhất là xây dựng cho Nhật Bản một lực lượng "tự vệ."

Cho tới nay, Nhật Bản đứng thứ 6 trên thế giới về chi phí quân sự (ngang với Pháp) chỉ để trang bị và hiện đại hóa lượng "tự vệ" này. Nếu nhìn từ góc độ đó, việc làm của thủ tướng Abe ("diễn giải" hiến pháp theo cách mới để cho phép Nhật Bản phản ứng bằng quân sự trước các mối đe dọa về an ninh quốc gia) không có gì quá mới hoặc "động trời" như một số nước - đặc biệt là Trung Quốc - mô tả.

Nếu nhìn vào cục diện thế giới hiện tại, việc làm của thủ tướng Abe lại càng cho thấy đó là một bước đi lô-gic. Đã từ nhiều năm nay Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho Nhật và đòi hỏi Nhật phải chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới. Điều này đặc biệt đúng dưới thời tổng thống Obama - người thực sự chỉ muốn dành nguồn lực của Mỹ để lo cho nội bộ nước Mỹ.

Trong cuộc họp báo trước cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC ngày 2/7 vừa qua, khi tất cả các câu hỏi đều nhằm vào "đối tượng" Trung Quốc, đại diện Mỹ đã phải nói thẳng rằng đây là cuộc tập trận của 22 quốc gia khác nhau, chứ "không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc" và "mọi người cần phải quan tâm tới các nước còn lại". Tóm lại, Mỹ càng ngày càng muốn rút khỏi vai trò làm "viên cảnh sát thế giới duy nhất" và chỉ muốn làm "cảnh sát trưởng" điều hành các nỗ lực chung.

Trong nội bộ Nhật từ nhiều năm nay, người dân đảo Okinawa - một hòn đảo có vị trí chiến lược đối với an ninh Nhật và cũng là một trong số những căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của Mỹ - đã gây sức ép vô cùng lớn và có vẻ họ sẽ thành công trong việc hủy bỏ căn cứ quân sự đã được thiết lập từ năm 1945 này.

Còn nhìn sang "hàng xóm", Nhật sẽ thấy Trung Quốc là nước có chi phí quân sự lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Mỹ) và sẽ còn tăng, đồng thời với việc tăng cường các hoạt động lấn chiếm trong khu vực (chưa kể gần như độc chiếm các nguồn lợi kinh tế chủ yếu ở châu Phi).

Vậy là trong bối cảnh Trung Quốc "giương nanh múa vuốt," Mỹ thì rút dần sự hiện diện, lãnh đạo Nhật và những người hiểu địa chính trị đều thấy phải chủ động "tự lo cho mình" là điều đương nhiên, và việc đầu tiên là tái vũ trang.

Tuy nhiên, cần tỉnh táo xem xét để thấy việc làm của thủ tướng Abe không phải hoàn toàn là mang tính "tự vệ", mà thực ra vị thủ tướng này đã tranh thủ được các điều kiện mới của thế giới và khu vực để cụ thể hóa chính sách tái vũ trang của mình... Việc ông Abe mong muốn đẩy Nhật lên thành một cường quốc độc lập và chủ động về quân sự không phải không xuất phát từ các toan tính. Nên nhớ, nếu "Trung Quốc" có nghĩa là "nước ở trung tâm thế giới" thì Nhật có nghĩa là "mặt trời".

Trong bối cảnh "cảnh sát số 1 thế giới" là Mỹ đang giảm thiểu hoạt động, Trung Quốc bành trướng và móc nối với Nga, Nhật thì muốn tái khẳng định vị trí dẫn đầu châu Á của mình... tình hình khu vực quả thật vô cùng phức tạp. Chỉ cần sai một bước rất nhỏ là có thể lại mắc vào một vòng xoáy bạo lực ngoài tầm kiểm soát.

Lúc này hơn lúc nào khác, cảnh giác giữ mình là biện pháp tối ưu.

Theo Minh Nguyệt (từ Mỹ)
Tuần Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm