Nhật Bản sẽ tập trận chung với Mỹ và Úc
(Dân trí) - Mỹ mong muốn các đồng minh đóng góp vai trò tích cực hơn trong nhiệm vụ tuần tra trên Thái Bình Dương. Với mục đích đó, Mỹ và Úc cùng với Nhật Bản sẽ tiến hành cuộc tập trận Talisman Sabre dự kiến vào tháng 7 tới đây.
Tập trận Talisman Sabre đất liền. (Ảnh: NT’News)
Cuộc tập trận Talisman Sabre năm nay sẽ được tiến hành vào tháng 7 tới và có sự tham gia của 500 quân New Zealand và 40 sĩ quan chỉ huy và lính chiến đấu Nhật Bản.
“Tôi nghĩ Mỹ đang cố lôi kéo các đồng minh hành động tích cực hơn, tạo thành trục đối xứng với Nhật Bản là đồng minh tin cậy ở Tây Thái Bình Dương và Úc ở Nam Thái Bình Dương.” Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế của Viện Lowry tại Sydney nhận xét.
Đây là hoạt động theo kế hoạch mà Washington muốn thúc đẩy nhằm kéo Tokyo nắm giữ vai trò lớn hơn trong nhiệm vụ tuần tra trên Thái Bình Dương. Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Shinzo Abe cho phép Nhật Bản mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội ra ngoài lãnh thổ.
Các chuyên gia đánh giá những động thái này là sự đáp trả mối đe dọa từ phía Trung Quốc, đặc biệt là từ sau khi nước này tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Vùng biển tranh chấp nóng bỏng này được đánh giá là có một khối lượng hàng hóa đến 5.000 tỷ USD lưu thông qua lại mỗi năm. Vì lẽ đó, Mỹ và các đồng mình đặc biệt lo ngại rằng các đảo nhân tạo này sẽ được sử dụng để đạt mục tiêu kiểm soát Biển Đông.
Thời gian gần đây, Mỹ liên tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự với nhiều quốc gia là những bên tranh chấp ở Biển Đông là Philippines và Indonesia. Mỹ cũng đã tuyên bố có thể sẽ bắt đầu tuần tra thường xuyên khu vực quần đảo Trường Sa, một động thái mà Bắc Kinh phản đối kịch liệt.
Tập trận Talisman Sabre trên biển (Ảnh: Navaltoday.com)
Bất chấp các ý kiến từ phía Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani khẳng định Tokyo tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre là vì lợi ích chung của Nhật Bản mong muốn tăng cường mối quan hệ với các đồng minh của mình chứ không có gì liên quan đến Trung Quốc cả.
Theo Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, mối hợp tác này đã đạt đến một tầm cao mới thể hiện qua việc Nhật gần như chắc chắn sẽ là nhà cung cấp các tàu ngầm mới để đáp ứng yêu cầu nâng cấp hải quân của Úc. Sự hợp tác này được Mỹ ủng hộ mạnh mẽ.
"Để mở rộng phạm vi của liên minh, chúng tôi đang đẩy mạnh hợp tác ba bên ở một mức độ chưa từng có.” Đó là nội dung Thứ trưởng Quốc phòng David Shear báo cáo Thượng viện Mỹ mới đây. "Trong một số trường hợp, sự hợp tác này có tác dụng trực tiếp đến hoạt động an ninh hàng hải của chúng ta. Ví dụ như chúng tôi đang hợp tác 3 bên cùng Nhật Bản và Úc để tăng cường an ninh hàng hải ở Đông Nam Á và khai thác hợp tác công nghệ quốc phòng.”
Khi được hỏi về thái độ của Trung Quốc đối với những động thái này, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lớn tiếng như thường lệ “chúng tôi tin rằng các nước liên quan nên cùng nhau đóng vai trò chủ động và xây dựng để củng cố sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa các nước trong khu vực”.
"Để mở rộng phạm vi của liên minh, chúng tôi đang đẩy mạnh hợp tác ba bên ở một mức độ chưa từng có.” Đó là nội dung Thứ trưởng Quốc phòng David Shear báo cáo Thượng viện Mỹ mới đây. "Trong một số trường hợp, sự hợp tác này có tác dụng trực tiếp đến hoạt động an ninh hàng hải của chúng ta. Ví dụ như chúng tôi đang hợp tác 3 bên cùng Nhật Bản và Úc để tăng cường an ninh hàng hải ở Đông Nam Á và khai thác hợp tác công nghệ quốc phòng.”
Khi được hỏi về thái độ của Trung Quốc đối với những động thái này, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lớn tiếng như thường lệ “chúng tôi tin rằng các nước liên quan nên cùng nhau đóng vai trò chủ động và xây dựng để củng cố sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa các nước trong khu vực”.
Uyên Châu
Theo Sputnik
Theo Sputnik