1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản, Philippines phản đối Trung Quốc điều máy bay ra đá Chữ Thập

(Dân trí) - Nhật Bản và Philippines ngày 4/1 cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước hoạt động bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập ở Biển Đông. Mỹ trước đó cũng bày tỏ quan ngại về hành động của Bắc Kinh.

 


Đường băng phi pháp do Trung Quốc xây dựng trên bãi đá Chữ Thập (Ảnh: SCMP)

Đường băng phi pháp do Trung Quốc xây dựng trên bãi đá Chữ Thập (Ảnh: SCMP)

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: "Nhật Bản quan ngại sâu sắc trước hành động của Trung Quốc. Đây là hành động đơn phương nhằm thay đổi thực trạng tại Biển Đông".

"Nhật Bản không chấp nhận hành động như vậy vì nó làm gia tăng căng thẳng và gây ra quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác có cùng quan ngại nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông", Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh.

Hôm thứ Bảy vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo cho biết nước này đã thực hiện "một chuyến bay thử bằng máy bay dân sự ở đường băng xây dựng trên đá Chữ Thập nhằm kiểm tra cơ sở vật chật có đáp ứng các tiêu chuẩn của hàng không dân dụng hay không".

Đây được cho là lần đầu tiên Trung Quốc cho phép tiến hành vụ bay thử trên đường băng ở đá Chữ Thập, một trong nhiều khu vực mà Bắc Kinh đang chiếm giữ ở Biển Đông và tiến hành các hoạt động cải tạo đảo phi pháp.

Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về chuyến bay thử nghiệm do Trung Quốc tiến hành ở bãi đá Chữ Thập có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Chính phủ Philippines ngày 4/1 cũng ra thông báo phản đối hoạt động nêu trên của Trung Quốc tại Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Chalres Jose, cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc hành động đáp trả lại vụ bay thử của máy bay Trung Quốc tại đường băng trên bãi đá Chữ Thập, đồng thời khẳng định hoạt động như thế này chỉ làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực.

Thời gian qua, căng thẳng đã gia tăng tại Biển Đông sau khi Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động xây dựng với mục đích cải tạo các khu vực mà nước này đang chiếm giữ tại Biển Đông.

Có ý kiến lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng những cơ sở mới xây dựng trên các đảo nhân tạo phi pháp để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự và đưa ra những đòi hỏi về chủ quyền từ đây.

Mỹ cũng đã bày tỏ lo ngại trước các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông và đã gửi thông điệp phản đối bằng hành động điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen tới bãi Xu Bi hồi tháng 10 năm ngoái.

Ngọc Anh

Tổng hợp