1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản, Philippines hợp tác đối phó Trung Quốc

(Dân trí) - Nhật Bản và Philippines hôm qua đã nhất trí khởi động các chương trình hợp tác an ninh song phương nhằm đối phó với những hành động gây hấn ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng mở rộng quy mô và tiến độ xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.

T
Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau cuộc hội đàm tại thủ đô Tokyo (Ảnh: Yahoo News)

Thỏa thuận trên đạt được trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

Theo đó, ông Aquino và Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán để tiến tới ký kết hiệp ước chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh song phương.  

Những thiết bị sẽ được Nhật Bản chuyển giao gồm máy bay tuần tra P-3C, thiết bị dùng cho radar và 10 tàu tuần tra dành cho  Lực lượng bảo an biển của Philippines.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Manila với cam kết triển khai dự án đường sắt trị giá khoảng 300 tỷ yên (tương đương 2,4 tỷ USD).

Cũng tại cuộc hội đàm song phương, hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, trong đó có hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, ám chỉ các dự án quy mô lớn đang được Bắc Kinh ráo riết triển khai ở Biển Đông.

Trong khuôn khổ “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp hàng hải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và kêu gọi các bên kiềm chế các hành động đơn phương trên biển”, tuyên bố chung sau hội đàm nêu rõ.

Để đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực, ông Abe và ông Aquino nhất trí tăng cường hợp tác an ninh thông qua việc mở rộng các cuộc tập trận song phương và đa phương.

Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Aquino đều thực thi các chính sách cứng rắn với Bắc Kinh nhằm đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ gây tranh cãi của Trung Quốc.

Hiện quan hệ của cả hai nước này với Trung Quốc đều đang rơi xuống điểm thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây sau khi Bắc Kinh liên tục có các hành động gây hấn với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và với Philippines ở bãi cạn Scaborough/Hoàng Nham ở Biển Đông.

Các hành động gây hấn của Trung Quốc, nhất là việc nước này bất chấp dư luận quốc tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, cũng đã gây quan ngại cho nhiều nước khác trong khu vực và Mỹ.

Tại diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á Shangri-la 2015 vừa diễn ra ở Singapore, Mỹ và Nhật Bản đã phản đối kịch liệt các hành động của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và kiềm chế những hành động đơn phương trên biển.

Trong phát biểu mới nhất nhằm làm dịu quan ngại của dư luận khu vực và thế giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tái khẳng định sẵn sàng phối hợp với các quốc gia Đông Nam Á trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Theo người phát ngôn, Bắc Kinh mong muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và hiệp thương trực tiếp, tăng cường các cơ chế và quy định của khu vực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và cùng nhau hợp tác, phát triển ở Biển Đông.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy giữa lời nói và hành động của Bắc Kinh luôn tồn tại khoảng cách rất lớn.

Vũ Anh
Tổng hợp