1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nhật Bản luôn là “bàn đạp” của Mỹ trong vấn đề Biển Đông?

Cả Nhật Bản và Mỹ đều có những tính toán chung trong việc ứng phó với hành động Trung Quốc tại Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2020, trong đó tiếp tục tái khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ. Đáng chú ý, không chỉ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Sách Trắng còn đưa ra những nhận định cứng rắn về các động thái gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông, đánh giá đây là các hoạt động “mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông”.

Nhật Bản luôn là “bàn đạp” của Mỹ trong vấn đề Biển Đông? - 1
Ảnh minh họa: Reuters

Tập trung chỉ trích Trung Quốc

Phần thêm mới so với những năm trước và được phân tích khá kỹ càng đó là sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với Nhật Bản cũng như thế giới. Tuy nhiên, phần được dư luận “soi” kỹ nhất là phần phân tích về hành động của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra.

Ngay phần mở đầu, Sách Trắng Quốc phòng năm 2020 của Nhật Bản đã nhấn mạnh sẽ làm rõ sức cạnh trạnh giữa các quốc gia đang mở rộng ảnh hưởng ra thế giới mà đầu tiên là Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra. Điều này đã cho thấy mối quan tâm của Nhật Bản về vấn đề trên với tư cách là một vấn đề an ninh quốc gia.

Sách phê phán việc tàu thuyền của Trung Quốc hàng ngày vẫn hoạt động tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tiếp tục đơn phương thực hiện các hoạt động thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Bên cạnh đó, Sách cho rằng hoạt động của quân đội Trung Quốc thiếu tính minh bạch về gia tăng kinh phí quốc phòng và việc tăng cường lực lượng quân đội. Điều này gây lo ngại mạnh mẽ về mặt quốc phòng đối với khu vực và thế giới. Đồng thời, Nhật Bản cũng kêu gọi Trung Quốc cần hành động dựa trên luật pháp quốc tế.

Sách Trắng Quốc phòng năm 2020 của Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 thúc đẩy hoạt động quân sự tại khu vực xung quanh Nhật Bản, tiến hành công tác tuyên truyền đối với nhiều quốc gia khác với mục đích gây bất an trong xã hội.

Như vậy, Nhật Bản xem hành động của Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng tới an ninh của khu vực và thế giới, trong đó có Nhật Bản.

Hợp tác Nhật-Mỹ trong vấn đề Biển Đông

Trong Sách Trắng, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, hay nói cách khác, sự hợp tác của Mỹ trong vấn đề an ninh đối với Nhật Bản là hết sức quan trọng. Mỹ luôn đứng số 1 trong mục I của Sách Trắng.

Điều trùng lặp khá thú vị là sáng 14/7 (theo giờ Nhật Bản), ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố Mỹ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (thuộc chủ quyền của Việt Nam), và một số khu vực khác thuộc chủ quyền của các nước Malaysia, Brunei, Indonesia, đồng thời nhấn mạnh rằng tất cả hành động của Trung Quốc tại đây đều là phi pháp, thì Nhật Bản cũng công bố Sách Trắng chỉ trích Trung Quốc với nội dung tương tự.

Cùng với đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu ngay lập tức tỏ ý hoan nghênh và ủng hộ Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ với nội dung như trên.

Ông Motegi đánh giá rằng trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang gia tăng căng thẳng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ thể hiện lập trường không gì thay đổi của Mỹ nhằm hướng tới hòa bình và ổn định của khu vực cũng như thế giới.

Ngoại trưởng Motegi nhấn mạnh lập trường của Nhật Bản là các bên đương sự cần phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vào tháng 7/2016, phủ nhận cái gọi là quyền lịch sử và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông. Đồng thời, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế, đầu tiên là Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải.

Trên thực tế, cả Nhật Bản và Mỹ đều có những tính toán chung trong việc ứng phó với hành động Trung Quốc tại Biển Đông. Có thể Mỹ luôn mạnh mẽ và đi trước trong quan điểm và hành động, nhưng Nhật Bản luôn là “bàn đạp” để Mỹ vững tâm thực hiện.

Minh bạch cạnh tranh mang tính quốc tế

Đại dịch Covid-19, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế, ngoại giao… của hầu hết các nước trên thế giới, điều đáng nói nó đã làm thay đổi quan điểm về giá trị. Theo đó, lực lượng quốc phòng sẽ phải tham gia như thế nào, đóng góp ra sao đối với thế giới trong hoàn cảnh nguy hiểm. Đây là điểm mới đáng chú ý trong Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản năm nay.

Ngay trong phần đầu của Sách Trắng đã nêu ra vấn đề mới nảy sinh, đó là đảm bảo an ninh, nhưng quan trọng hơn là phải làm rõ sự minh bạch và tính đúng đắn của sự cạnh tranh giữa các quốc gia đang có mục đích gây ảnh hưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Điều đó tức là hiện nay, sự cạnh tranh đang có xu hướng không lành mạnh. Một số quốc gia đã lợi dụng đại dịch Covid-19 để bao quát lợi ích về mình. Do vậy, việc đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh khu vực là trách nhiệm của lực lượng quốc phòng Nhật Bản. Tóm lại, chính sách quốc phòng của Nhật Bản có thêm nhiệm vụ mới, đó là phải đảm bảo tính minh bạch trong những cạnh tranh mang tính quốc tế.

Theo Bùi Hùng

VOV