1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nhật Bản loay hoay giải bài toán người lao động “nghiện” việc

(Dân trí) - Chính phủ Nhật Bản đang thực thi nhiều biện pháp để giải quyết vấn nạn làm thêm giờ của người lao động nước này sau một loạt con số báo động về những trường hợp tử vong do làm việc quá sức.

Bà Yukimi Takahashi, mẹ của Matsuri Takahashi, lau nước mắt trước di ảnh của con gái trong cuộc họp báo ngày 6/10 tại Tokyo (Ảnh: Reuters)
Bà Yukimi Takahashi, mẹ của Matsuri Takahashi, lau nước mắt trước di ảnh của con gái trong cuộc họp báo ngày 6/10 tại Tokyo (Ảnh: Reuters)

Những con số giật mình

Với chiếc điện thoại di động trên tay như thể đang chờ tin nhắn giao công việc tiếp theo, Miwa Sado, phóng viên của đài NHK (Nhật Bản), bị phát hiện đột tử vì suy tim trong khi đang ngủ hồi tháng 7/2013. Trong tháng trước đó, người phụ nữ 31 tuổi này đã làm thêm gần 160 giờ đồng hồ.

2 năm sau đó, đúng vào ngày Giáng sinh, Matsuri Takahashi, nhân viên mới của hãng quảng cáo Dentsu danh tiếng, đã tìm đến cái chết do không chịu nổi áp lực từ lịch trình làm việc dày đặc và những khó khăn tại nơi làm việc.

Những vụ việc thương tâm này tưởng chừng đã trôi vào quên lãng, song vào tuần trước, một loạt diễn biến mới bất ngờ xuất hiện và một lần nữa khiến công chúng nhìn nhận lại văn hóa làm việc gây tranh cãi tại Nhật Bản.

Mãi tới ngày 4/10 vừa qua, dưới sức ép của cha mẹ Miwa Sado, đài NHK mới công bố rộng rãi tới công chúng thông tin về vụ việc liên quan tới cái chết của nữ phóng viên này. NHK cũng cam kết sẽ nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc để tránh những vụ việc tương tự xảy ra. Trong khi đó, tòa án Tokyo ngày 6/10 cũng tuyên phạt hãng quảng cáo Dentsu 500.000 yen (khoảng 6000 USD) vì vi phạm luật lao động dẫn tới cái chết của Matsuri Takahashi khi cô gái này mới chỉ 24 tuổi.

Trước khi xảy ra vụ việc của Takahashi, Dentsu từng được biết đến với câu khẩu hiệu: “Một khi bạn bắt đầu công việc, đừng dừng lại ngay cả khi công việc giết chết bạn”. Năm 1991, Ishiro Oshima, một nhân viên khác của Dentsu, cũng tự tìm đến cái chết năm 24 tuổi. Đây là trường hợp đầu tiên được các tòa án Nhật Bản ghi nhận là chết vì làm việc quá sức, hay còn gọi là “karoshi”.

Những con số thống kê về các trường hợp chết vì làm việc quá sức tại Nhật Bản khiến người xem không khỏi giật mình. Sách Trắng karoshi thường niên thứ 2 của Nhật Bản công bố ngày 6/10 cho thấy có 191 trường hợp tự tử và tìm cách tự tử do áp lực công việc trong một năm tài khóa, tính đến tháng 3/2017. Con số này cao gấp đôi so với năm tài khóa trước đó.

Ngoài ra, Sách Trắng karoshi cũng ghi nhận 498 trường hợp mắc các chứng bệnh rối loạn tâm thần liên quan tới công việc như trầm cảm. Nếu tính từ tháng 1/2010 đến tháng 3/2015, có tổng cộng 368 trường hợp tự tử, bao gồm 352 nam giới và 16 phụ nữ, do vấn đề karoshi.

Nỗ lực của chính phủ

Các văn phòng tại Nhật bản vẫn có đông người làm việc dù trời đã tối (Ảnh: Reuters)
Các văn phòng tại Nhật bản vẫn có đông người làm việc dù trời đã tối (Ảnh: Reuters)

Xu hướng làm thêm giờ tại Nhật Bản bắt nguồn từ những năm hậu chiến khi người lao động cố gắng tìm cách gia tăng thu nhập lên mức cao nhất có thể. Sau đó, xu hướng này tiếp tục tiếp tục được duy trì ngay cả khi nền kinh tế phát triển chậm lại vì người lao động không muốn bị coi là chểnh mảng công việc trong bối cảnh họ có thể bị mất việc bất kỳ lúc nào.

Sau vụ tự sát của Matsuri Takahashi, Nhật Bản đã ban hành dự luật mới, trong đó giới hạn thời gian làm thêm không vượt quá 100 giờ/tháng và 720 giờ/năm. Như vậy, tính theo tiêu chuẩn 20 ngày làm việc/tháng, người lao động Nhật Bản sẽ không được làm thêm quá 5 giờ/ngày. Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai, dự luật này sẽ không áp dụng đối với người lao động làm việc trong nhóm ngành có yêu cầu công việc cao như bác sĩ hay tài xế lái xe tải.

Dự luật trên đã gây nhiều tranh cãi khi số người lao động tử vong vì karoshi trong ngành công nghiệp vận tải vào năm ngoái chiếm tới 41 trường hợp - đông nhất trong tất cả các ngành nghề tại Nhật Bản. Trong khi đó, ngành y cũng đang chứng kiến nhiều trường hợp liên quan tới hiện tượng karoshi.

Hồi tháng 9, bệnh viện quốc gia Osaka bị phát hiện cho phép nhân viên làm việc tới 300 giờ làm thêm một tháng theo hợp đồng quản lý lao động. Trước đó, bác sĩ thực tập Aya Kimoto, 37 tuổi, tại bệnh viện Niigata cũng đã làm thêm tới 251 giờ trong một tháng trước khi qua đời vào tháng 1 năm ngoái.

Với nỗ lực ngăn chặn xu hướng làm việc quá sức, chính phủ Nhật Bản hồi tháng 5 lần đầu tiên công bố danh sách 300 công ty vi phạm luật lao động trên toàn quốc. Trước đó, chính phủ cũng kêu gọi thực hiện chiến dịch Premium Friday từ hồi tháng 2, trong đó khuyến khích các công ty cho phép nhân viên rời khỏi văn phòng từ 3 giờ chiều trong ngày thứ 6 cuối cùng của mỗi tháng.

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản cho biết mục tiêu của các biện pháp trên là nhằm “truyền tải triết lý” về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho người lao động, dù hiệu quả có thể chưa thể được chứng minh tức thì.

Thành Đạt

Theo Straitstimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm