1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản không dễ xiêu lòng trước “Nụ cười ngoại giao” của Triều Tiên

Nhật Bản cho rằng, Triều Tiên đang cố gắng gây ấn tượng với nhà lãnh đạo Hàn Quốc, cũng như thúc đẩy đối thoại liên Triều bằng mọi giá.

Sự nồng ấm bất ngờ trong quan hệ liên Triều, cùng những dấu hiệu sớm cho thấy Hàn Quốc và Triều Tiên đang chuẩn bị xúc tiến đối thoại giảm căng thẳng những ngày gần đây đã khiến chính phủ Nhật Bản lo ngại sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực của chính phủ nước này và Mỹ trong việc tăng cường gây sức ép đối với Triều Tiên.


Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên. Ảnh: Maritime Security Review.

Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên. Ảnh: Maritime Security Review.

Nhật Bản khẳng định lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên

Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm 13/2 tuyên bố, Nhật Bản không bao giờ thay đổi lập trường tăng cường gây sức ép đối với Triều Tiên để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Ông Onodera cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế không rơi vào “bẫy” của Triều Tiên nhằm lợi dụng Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang để giảm thiểu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với nước này.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Onodera khẳng định: “Quan điểm của Nhật Bản không bao giờ thay đổi. Chúng tôi luôn theo đuổi phương thức gây sức ép đối với Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân”. Theo Bộ trưởng Onodera, Nhật Bản cũng như nhiều các quốc gia khác luôn mong muốn Thế vận hội Pyeongchang thành công bởi sự kiện này tượng trưng cho “chiến thắng của hòa bình”.

“Tuy nhiên, nếu Triều Tiên muốn lợi dụng Thế vận hội Olympic Pyeongchang vì các mục đích chính trị, cũng như giảm nhẹ sức ép của cộng đồng quốc tế theo cách này, chúng ta nên cảnh giác”, ông nhấn mạnh.

Tuyên bố của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh, đoàn đại diện cấp cao của Triều Tiên, trong đó có em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo Jong đã đến Hàn Quốc tham dự sự kiện Thế vận hội Pyeongchang. Tại đây, phái đoàn Triều Tiên đã được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp đón nồng hậu. Trong cuộc hội đàm, bà Kim Yo Jong đã mời Tổng thống Moon Jae-in thăm Triều Tiên, đáp lại, nhà lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ mong muốn cả hai bên cùng tạo điều kiện thuận lợi để chuyến thăm này sớm diễn ra.

Nhật Bản nghi ngờ quyết định Triều Tiên tham gia Thế vận hội

Trước quyết định của Triều Tiên đồng ý tham gia Thế vận hội Olympic Pyeongchang, nhiều quan chức Tokyo lo ngại Triều Tiên đang “âm mưu” chia rẽ sự đoàn kết giữa Mỹ với các nước đồng minh Đông Nam Á, cũng như giảm nhẹ tầm ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với nước này.

Theo giới quan sát, việc chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Sindo Abe ủng hộ tăng cường gây sức ép về mặt ngoại giao và kinh tế đối với Triều Tiên cho thấy Nhật Bản vẫn luôn cảnh giác cao độ đối với Triều Tiên. Vì Nhật Bản cho rằng chấp nhận đối thoại dựa trên những điều khoản Triều Tiên đưa ra đồng nghĩa với việc chấp nhận Triều Tiên là một “cường quốc hạt nhân”. Đây là điều Nhật Bản không bao giờ mong muốn. Mối quan tâm lớn nhất của Nhật Bản hiện nay là củng cố mối quan hệ chân kiềng vững chãi của liên minh Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc để đối phó với những mối đe dọa và hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên.

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết: “Việc Triều Tiên cử bà Kim Yo Jong - một trong những trợ lý thân cận nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong đoàn đại diện Triều Triên tới thăm Hàn Quốc cho thấy, Triều Tiên đang cố gắng gây ấn tượng với nhà lãnh đạo Hàn Quốc, cũng như thúc đẩy đối thoại liên Triều bằng mọi giá.”

Mặc dù không phản đối các cuộc đối thoại gần đây giữa hai miền Triều Tiên song Nhật Bản vẫn lên tiếng cảnh báo Hàn Quốc cần tỉnh táo trước những mục đích của Triều Tiên tại kỳ Thế vận hội Olympic Mùa Đông. Trong phát biểu ngày 12/2, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, Tokyo không dễ bị đánh lừa bởi “nụ cười ngoại giao” của Triều Tiên.

Theo một số nguồn tin ngoại giao, nhiều nhân vật trong chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe cho rằng đối thoại là vô nghĩa nếu Triều Tiên không từ bỏ chương trình hạt nhân một cách “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”./.

Theo Hồng Anh

VOV