Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây đập Sabo đầu tiên giúp giảm rủi ro thiên tai
(Dân trí) - Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng đập Sabo đầu tiên tại tỉnh Sơn La, đánh dấu một cột mốc mới trong hợp tác giữa hai nước trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Đập Sabo đầu tiên tại lưu vực suối Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La được khánh thành ngày 16/4 (Ảnh: Thành Đạt).
Vào ngày 16/4, lễ khánh thành đập Sabo đầu tiên của Việt Nam, xây dựng trong phạm vi Dự án Hợp tác kỹ thuật về Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc, được đồng tổ chức bởi Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, và Văn phòng Việt Nam của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã diễn ra tại bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Đập được chính thức xây dựng từ tháng 9/2024 sau mùa mưa ở tỉnh Sơn La theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Đây là đập bê tông khe hở với chiều dài 61m, chiều rộng 3m ở đỉnh đập và chiều cao 9m.
Quá trình xây dựng bao gồm kiểm tra xác nhận trạng thái nền móng, đào nền, đổ bê tông, bảo vệ mái dốc và san lấp. Chất lượng của đập được kiểm soát thông qua các bài kiểm tra đo độ sụt và thí nghiệm cường độ bê tông liên tục tại vị trí xây dựng.
Một số hội thảo kỹ thuật đã và đang được tổ chức để chuyển giao kỹ thuật xây dựng đập Sabo tới chính quyền trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu và các nhà thầu xây dựng.

Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam (thứ hai từ phải sang) và ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (thứ ba từ phải sang) cắt băng khánh thành đập Sabo tại Sơn La (Ảnh: Thành Đạt).
Phát biểu tại lễ khánh thành đập, ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, khẳng định đập Sabo là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai sạt lở, lũ quét. Công trình đập Sabo này có thể thu giữ trầm tích của dòng lũ bùn đá, gỗ trôi và phòng ngừa thiệt hại ở khu vực hạ lưu, không chỉ cho khu vực dân cư địa phương gần đập, mà còn cả thị trấn Ít Ong.
Ông Yosuke cho biết JICA đã chú tâm tới sạt lở, lũ quét ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam trong nhiều năm. Tại những khu vực này, sạt lở, lũ quét do mưa lớn cực đoan thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại lớn.
"Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều khảo sát, dự án liên quan đến sạt lở, lũ quét và cung cấp hàng hóa cứu trợ khẩn cấp của Nhật Bản đến các khu vực chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Lễ khánh thành đập Sabo ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai sạt lở, lũ quét", ông Yosuke nhấn mạnh.
Ông Yosuke cho biết làm việc với người dân Việt Nam để xây dựng đập Sabo thí điểm áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật Nhật Bản tại Việt Nam thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Tuy nhiên, một đập Sabo đơn lẻ không thể giúp giảm dòng lũ bùn đá hiệu quả.
"Chúng tôi hy vọng việc thí điểm xây dựng đập Sabo tại tỉnh Sơn La sẽ là ví dụ tham khảo để chính phủ Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng các đập Sabo khác tại lưu vực Nặm Păm và các khu vực có nguy cơ cao khác. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tôi hy vọng rằng các kiến thức và kinh nghiệm liên quan từ Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam", đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện trường sau trận lũ quét tại Nặm Păm, Mường La, Sơn La năm 2017 (Ảnh: JICA).
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết công trình đập Sabo phòng, chống lũ bùn, đá tại lưu vực suối Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La có thể được coi là "mô hình trực quan", mang tính thí điểm được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Công trình này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ 28 hộ dân, trường mầm non, nhà văn hóa ở phía bờ trái hạ lưu đập.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, do chỉ là đập thí điểm, được xây dựng đơn lẻ với quy mô nhỏ, nên đập Sabo sẽ khó phát huy hết hiệu quả.
Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng đồng bộ hệ thống đập Sabo trên lưu vực sông Nặm Păm. Nếu được đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống đập này có thể trở thành mô hình mẫu cho Việt Nam đánh giá hiệu quả, từ đó xem xét, huy động nguồn lực để đầu tư nhân rộng công trình đập Sabo tại các khu vực khác có rủi ro tương tự.
Sạt lở và lũ quét do mưa lớn diễn ra thường xuyên và gây ra thiệt hại nặng nề tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Đầu tháng 8/2023, mưa lớn liên tiếp đã dẫn đến lũ quét và sạt lở đất tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La, gây thiệt hại cho 134 nhà ở trong khu vực.
Từ giữa thế kỷ 19, Nhật Bản đã nghiên cứu và phát triển những công trình bằng đá, gỗ nhằm giảm tốc độ dòng chảy bùn đá, giảm nhẹ thiệt hại cho khu vực hạ lưu. Mô hình đập Sabo được thiết kế để cho nước chảy qua, nhưng giữ lại đất, đá, cây cối được xây dựng tại các điểm xung yếu nơi thường xuyên xảy ra lũ quét đã chứng minh được hiệu quả.
Kết cấu đập Sabo là loại đập bê tông, có khe hở, nước chảy qua được, góp phần giảm vận tốc dòng chảy tại vị trí đập và tạo ra bồi lắng ở thượng lưu đập. Đập Sabo được thiết kế đảm bảo dòng chảy trầm tích không tràn đỉnh vai đập và không ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh.
Đến nay, hơn 64.000 công trình đập Sabo lớn, nhỏ đã được xây dựng tại Nhật Bản. Ngoài ra, giải pháp này đã được áp dụng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như đảo Đài Loan, Hàn Quốc và các quốc gia có nhiều nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.