1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản, Hàn Quốc lo ngại gì về láng giềng Trung Quốc?

(Dân trí) - Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển của Malaysia, Indonesia. Trung Quốc đối đầu với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và xâm nhập vùng biển của Hàn Quốc. Tokyo và Seoul lo ngại về tham vọng lãnh thổ của láng giềng này.

  

Nhật Bản, Hàn Quốc lo ngại gì về láng giềng Trung Quốc? - 1

Ngoại trưởng Nhật Bản (thứ 2 trái sang), ngoại trưởng Hàn Quốc (trái), ngoại trưởng Indonesia (thứ 2 phải sang) và ngoại trưởng Trung Quốc (phải) tại cuộc họp ngoại trưởng ASEAN+3, Bali, ngày 21/7/2011.

“Trung Quốc đang gấp rút hiện đại hoá hải quân”

Sách Trắng Quốc phòng 2011 của Nhật Bản đã thể hiện rõ nhất từ trước đến nay mối quan ngại về Trung Quốc, nước đang gấp rút tiến hành hiện đại hóa hải quân và mở rộng bá quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Sách Trắng được nội các của Thủ tướng Naoto Kan thông qua đúng thời điểm cảnh căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải giữa đảo quốc này và các nước lân cận đang ngày càng tăng.

Sách Trắng ca ngợi “chiến dịch hữu nghị” tiến hành chung với Mỹ trong khu vực bị thảm họa 11/3 và mối quan hệ gắng bó của Nhật Bản trong liên minh quân sự với Mỹ. Tuy nhiên, điểm nổi trội nhất là trong công bố Sách Trắng về quân sự lần này là lần đầu tiên, Sách Trắng dành hẳn một chương nói về tình hình tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.

Sách Trắng khẳng định rằng cư xử của Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy tham vọng “thống trị” của nước này. Sách Trắng đã nói rõ quan điểm mà Trung Quốc đã áp dụng trong tranh chấp với các nước láng giềng là “độc đoán” và các hành động của tàu chiến, tàu thăm dò hải dương và giám sát ngư nghiệp đang được “thường xuyên hóa”.

Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc đã nhiều lần căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Hoa Đông. Gần đây có vụ tàu tuần duyên Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, hồi tháng 9/2010, khi chiếc tàu này ngang nhiên hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý.

Trung Quốc cũng coi chuỗi đảo nhỏ không có người ở này thuộc chủ quyền của mình và gọi là quần đảo Điếu Ngư. Trước đây, nhiều vụ va chạm đã xảy ra trong khu vực thăm dò khí đốt ở biển Hoa Đông. Mặc dù Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý về giải pháp cùng khai thác, nhưng các cuộc đàm phán song phương hầu như không tiến triển.

Về Biển Đông, Tokyo coi trọng vùng biển này và vấn đề an toàn cho các hoạt động lưu thông của tàu bè thương mại đòi hỏi phải có sự ổn định tại đây. Mặc dù không có liên quan trực tiếp đến các căng thẳng tại Biển Đông, nhưng Nhật Bản đã bày tỏ mối quan tâm mạnh mẽ trước các hoạt động của hải quân, tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc trong thời gian gần đây, như các vụ đối đầu, sách nhiễu, đe dọa ngư dân Việt Nam và Philippines.

Ông Ken Jimbo, giáo sư thỉnh giảng thuộc đại học Keiko, Nhật Bản, nhận định là quân đội, lực lượng ngư chính, hàng hải, tuần duyên của Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường, cũng như trong quá khứ họ đã làm và họ sẽ vẫn tỏ ra quyết đoán về chủ quyền.

“Nhật Bản cần quan tâm đến những diễn tiến trong hồ sơ Biển Đông và nên phát triển hợp tác, giúp đỡ các nước như Indonesia, Việt Nam, Philippines trong lĩnh vực tuần duyên, bến cảng”, giới chuyên gia Nhật Bản nhận định.

“Châu Á mất niềm tin...”

Theo các học giả Hàn Quốc, được tờ Korea Times dẫn lời, thì sự xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, bằng việc sử dụng các lý do về phương diện “thuyết địa chất học ngoài thềm lục địa” và lý do “lịch sự thám hiểm các vùng biển xa” thời cổ đại, đã gây ra sự đối đầu với Việt Nam và Philippines.

Biển Hoa Đông và Biển Đông không phải là đại dương, mà là một vùng biển được phân chia cho rất nhiều quốc gia láng giềng. Trung Quốc không thể tuyên bố chủ quyền của họ rộng 200 hải lý và coi đó là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc khu địa chất ngoài thềm lục địa ở các vùng biển này.

“Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ như vậy thật là nực cười và đế quốc chủ nghĩa”, Korea Times viết.

Chưa hết, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển của Malaysia và Indonesia và đối đầu với Nhật Bản ở biển Hoa Đông về khai thác dầu và khí đốt ở đảo Senkaku.

Gần đây nhất, Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển của Hàn Quốc hoặc can thiệp vào các hoạt động cứu nạn khi các công nhân Hàn Quốc đang trục vớt một tàu thương mại chở than bị chìm trong giới hạn đường trung tuyến trên vùng biển của Hàn Quốc.

Trung Quốc đã yêu cầu Hàn Quốc phải xin phép khi tiến hành trục vớt tàu. Trung Quốc cũng đã có những hành động “nực cười” tương tự khi Hàn Quốc tiến hành xây dựng một tháp quan sát trên bãi đá ngầm Ieodo thuộc vùng biển của mình.

Theo giới phân tích Hàn Quốc, các va chạm giữa Trung Quốc và một số nước về vấn đề lãnh thổ-lãnh hải còn tiếp tục, bởi vì Bắc Kinh sẽ không từ bỏ những yêu sách về chủ quyền và tìm cách mở rộng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc trong khu vực.

“Châu Á mất niềm tin đối với Trung Quốc và lo sợ Trung Quốc với tham vọng lãnh thổ của mình còn theo đuổi tìm kiếm các nguồn tài nguyên khoáng sản dưới biển”, tờ Korea Times kết luận, kèm ý kiến cho rằng để đối trọng với tham vọng của Trung Quốc, Mỹ phải đóng vai trò với tư cách là đối tác của các quốc gia Thái Bình Dương và cần cả một liên minh châu Á thống nhất, được vũ trang luật pháp và sự công bằng trong cộng đồng quốc tế.

Nguyễn Viết
Tổng hợp