Nhật Bản dùng công nghệ chế tạo tàu Shinkansen để thiết kế nhạc cụ “độc”
(Dân trí) - Các thợ thủ công Nhật Bản đã cho ra đời những cây đàn vĩ cầm độc đáo bằng hợp kim nhôm và magiê, sử dụng một công nghệ thường được dùng để chế tạo mũi tàu cao tốc Shinkansen - hệ thống tàu cao tốc nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc.
Các sản phẩm thủ công của Nhật Bản được thế giới đánh giá cao bởi sự tinh xảo, từ các sản phẩm dệt, sơn mài, đồ gốm cho đến các sản phẩm làm bằng đất nung, tre... Giờ đây, những người thợ tại Yamashita Kogyosho, một công ty chuyên sản xuất mũi tàu cao tốc Shinkansen, đã đưa sự khéo léo, tỉ mỉ lên một cấp độ mới: chế tạo đàn vĩ cầm từ kim loại.
Ông Kiyoto Yamashita từng làm việc tại nhà máy Kasado, thuộc Công ty hệ thống đường sắt của tập đoàn Hitachi đặt tại thành phố Kudamatsu, tỉnh Yamaguchi, tây nam Nhật Bản. Ông Yamashita đã đứng đầu một nhóm thợ chế tạo mũi tàu thử nghiệm Shinkansen đầu tiên, hoàn thành năm 1962.
Một người thợ của công ty Yamashita Kogyosho dùng búa để thiết kế mũi tàu cao tốc Shinkansen (Ảnh tư liệu: Yamashita Kogyosho)
Tháng 9/1963, gần một năm trước khi tàu Shinkansen chính thức đi vào hoạt động, ông Yamashita đã thành lập công ty Yamashita Kogyosho với công việc chính là chế tạo mũi tàu Shinkansen cho Hitachi. Những người thợ của Yamashita Kogyosho đã dùng búa để biến các tấm kim loại thành hình thù mũi tàu, sử dụng một công nghệ có tên gọi tạo hình kim loại tấm 3D. Kể từ khi thành lập, công ty đã chế tạo các mũi tàu Shinkansen, từ mẫu đầu tiên cho tới các tàu gần đây nhất, trong đó có seri E5, E6 và E7.
Những người thợ đã tạo nên các bề mặt cong tinh tế bằng cách gõ búa trên các tấm kim loại. Công việc này tưởng chừng rất đơn giản trên thực tế không phải vậy. Người thợ phải cầm búa nặng 1,5kg liên tục và phải kiểm soát các cú nện thật chính xác sao cho búa rơi đúng vị trí cần thiết và cũng như kiểm soát sức nặng của các cú đập. Do việc thay thế công đoạn tinh vi này bằng máy đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực và kinh phí nên công ty giao phó công việc này cho các thợ thủ công.
Ông Kiyoto Yamashita, cựu Chủ tịch công ty Yamashita Kogyosho và là một trong những người tham gia chế tạo mũi tàu Shinkansen đầu tiên năm 1962, thể hiện khả năng dùng búa để chế tạo nhạc cụ. (Ảnh: An Bình)
Cũng ứng dụng công nghệ tạo hình kim loại tấm 3D, các thợ lành nghề tại công ty Yamashita Kogyosho đã chế tạo nên các nhạc cụ làm từ kim loại. Những cây đàn vĩ cầm và trung hồ cầm đã ra đời từ cùng loại nhôm được sử dụng để chế tạo mũi tàu Shinkansen. Những người thợ lành nghề đã khéo léo biến các tấm nhôm vô hồn thành đường cong tinh tế, mượt mà trên những cây đàn. Nhạc cụ kim loại có thể được miêu tả như một sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và công nghệ cao.
Yamashita Kogyosho ban đầu chế tạo đàn vĩ cầm và trung hồ cầm bằng nhôm, chất liệu mà công ty sử dụng trong việc chế tạo tàu Shinkansen. Những cây đàn bằng nhôm đầu tiên nặng gần gấp 2 lần so với đàn gỗ, vì thế không dễ để nghệ sĩ chơi nhạc. Công ty sau đó chuyển sang hợp kim magiê, nhẹ hơn nhiều so với nhôm. Kết quả là nhạc cụ hợp kim magiê có trọng lượng tương đương đàn gỗ.
Ông Tatsuto Yamashita, Chủ tịch công ty Yamashita Kogyosho, đã tiếp bước cha mình, ông Kiyoto Yamashita, để quản lý công ty. (Ảnh: An Bình)
Đàn vĩ cầm làm bằng hợp kim magiê tạo ra âm thanh ngân vang và có sức hấp dẫn khác với đàn gỗ, vì thế nó có thể được coi là một loại nhạc cụ mới.
Các cây đàn do những người thợ của công ty Yamashita Kogyosho chế tạo đã được triển lãm và biểu diễn tại nhiều sự kiện, các cuộc trưng bày và các buổi lễ khác nhau. Một trong những chiếc đàn vĩ cầm của Yamashita Kogyosho đã được trưng bày tại Bảo tàng sáng tạo và khoa học mới ở Tokyo.
Những chiếc búa kích cỡ khác nhau được sử dụng tại công ty. (Ảnh: An Bình)
Ông Kiyoto Yamashita giờ đã nghỉ hưu, nhưng niềm đam mê chế tạo những đoàn tàu cao tốc Shinkansen đã truyền sang người con trai của ông, Tatsuto Yamashita. Trò chuyện với đoàn phóng viên quốc tế tới thăm công ty Yamashita Kogyosho vào tháng 12/2016, ông Tatsuto, Chủ tịch công ty Yamashita Kogyosho, cho hay các nhạc cụ kim loại là một cách để quảng bá các kỹ thuật chế tạo tàu cao tốc Shinkansen theo hình thức dễ hiểu với mọi người và cũng nhằm thu hút các lao động trẻ đến với công ty.
Đã hơn 50 năm kể từ khi tàu cao tốc Shinkansen đầu tiên được đưa vào sử dụng lần đầu tiên tại Nhật Bản năm 1964. Kể từ đó, các seri tàu cao tốc Shinkansen khác đã ra đời nhưng chưa từng gặp một tai nạn chết người nào và độ chính xác trung bình của tàu được tính bằng giây, đưa Shinkansen trở thành một trong những dịch vụ tàu cao tốc an toàn nhất thế giới.
An Bình