1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật Bản coi trọng Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Minh Phương

(Dân trí) - Chính phủ của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide được cho là sẽ tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, trong đó Đông Nam Á là trọng tâm.

Nhật Bản coi trọng Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - 1

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong một bức ảnh hồi năm 2018 (Ảnh: Reuters)

Việc Nhật Bản và Ấn Độ ký kết thỏa thuận mới về hợp tác hậu cần quân sự hồi tháng trước là một diễn biến đáng chú ý trong bối cảnh Nhật Bản điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia và phát tín hiệu điều chỉnh chính sách quốc phòng từ thụ động sang chủ động và đa phương.

Nền tảng của thỏa thuận trên là khả năng mở rộng phạm vi phòng thủ của Nhật Bản tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà trọng tâm là Đông Nam Á. Sự hiện diện của Nhật Bản ở biển Andaman cho thấy ý định của Nhật Bản về mối quan hệ đối tác quốc phòng lớn hơn với các nước Đông Nam Á.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng chuẩn bị công du Đông Nam Á. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nhấn mạnh, chuyến thăm này có ý nghĩa ngoại giao quan trọng và thể hiện cam kết của Tokyo với một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do".

Ngoài ra, Ngoại trưởng của “Bộ tứ” gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ cũng đã họp bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cuối năm ngoái và nhấn mạnh Đông Nam Á là trọng tâm trong chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản vốn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh của Nhật Bản ở khu vực, tuy nhiên Washington đang có xu hướng rút bớt lực lượng khỏi nhiều khu vực chiến lược trên thế giới. Tuy Mỹ sẽ không chấm dứt hiện diện ở Thái Bình Dương do có nhiều lợi ích chiến lược ở đây, song họ có thể thắt chặt chi tiêu hơn nữa. Điều này còn phụ thuộc nhiều vào liệu ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ sau cuộc bầu cử vào đầu tháng tới. Đó là lý do khiến Nhật Bản muốn xem xét lại chiến lược an ninh, không phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ về vấn đề an ninh quốc phòng.

Nhật Bản đã có những bước tiến dài trong việc trở thành một trong những quốc gia được yêu mến tại Đông Nam Á. Sự hỗ trợ tài chính lớn của Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 và vai trò gìn giữ hòa bình trong các cuộc xung đột khu vực đã giúp Nhật Bản có được sự tin tưởng cao trong ASEAN. Đầu tư của Nhật Bản vào Đông Nam Á hiện là 367 tỷ USD, cao hơn nhiều so với đầu tư của Trung Quốc, khoảng 255 tỷ USD.

Nhật Bản cũng đang có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, chuyển các cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á. Năm bắt xu hướng này, chính phủ Indonesia đã ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản như Panasonic, Sagami Electric.

Parag Khanna, người sáng lập công ty cố vấn chiến lược FutureMap, nhận định các nước Đông Nam Á có những thuận lợi về mặt kinh tế, nhân khẩu học và địa chính trị. Thậm chí, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GDP của Việt Nam và Indonesia được dự báo tăng trưởng lần lượt 6,8% và 5% trong năm 2021, trong khi tăng trưởng chung cả khu vực là 4,7%.

Do vậy, Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga và có lẽ cả những người kế nhiệm ông sẽ tiếp tục thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó lấy Đông Nam Á là trọng tâm và coi đó là tầm nhìn của Nhật Bản về một trật tự khu vực ổn định.