1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản chi 2 tỷ USD phát triển trực thăng vận tải hiện đại

(Dân trí) - Nhật Bản đang trong các cuộc đàm phán với các hãng chế tạo trực thăng hàng đầu thế giới và các đối tác Nhật về một thỏa thuận trị giá khoảng 2 tỷ USD nhằm chế tạo các máy bay vận tải cho quân đội nước này và cũng có thể bán ra nước ngoài.

Một trực thăng Huey. (Ảnh minh họa)

Một trực thăng Huey. (Ảnh minh họa)
 
Các cuộc đàm phán, mới bắt đầu diễn ra 2 tháng qua, cho thấy một bước đi nữa trong tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm ủng hộ một ngành công nghiệp xuất khẩu quân sự nội địa, đồng thời cũng giúp giảm chi phí thu mua quốc phòng của Nhật trong bối cảnh căng thẳng khu vực vì các tranh chấp lãnh thổ đang gia tăng và một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
 
Ông Abe hồi tháng 4 đã nới lỏng các giới hạn kéo dài nhiều thập niên đối với việc xuất khẩu quốc phòng của Nhật và đang tìm cách mở rộng quyền phòng vệ tập thể, có thể cho phép Tokyo sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ các đồng minh hoặc các quốc gia thân thiết trong trường hợp họ bị tấn công vũ trang.

Dự án máy bay vận tải mới, có tên gọi UH-X, sẽ nhằm thay thế phi đội già nua của Nhật gồm khoảng 150 trực thăng Huey. Dự án nhiều khả năng sẽ kéo dài ít nhất 10 năm và tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD, một trong những người biết về tiến trình đàm phán tiết lộ.

Airbus Helicopters, một chi nhánh của tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu Airbus, đã tham gia cuộc đàm phán cùng Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki; trong khi hãng trực thăng Bell, một chi nhánh của tập đoàn công nghiệp Textron, bắt tay với Tập đoàn công nghiệp nặng Fuji.

Còn công ty AgustaWestland, thuộc thuộc tập đoàn Finmeccanica Spa của Ý, đang tìm cách bán các trực thăng cho Nhật thông qua công ty thương mại Nhật Mitsui & Co.

Bằng việc tạo ra một thị trường bên ngoài Nhật cho dự án UH-X, giới chức hi vọng có thể giảm chi phí mua trực thăng cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), một phần của nỗ lực nhằm bắt kịp với việc tăng cường quân sự của Trung Quốc.

Theo các nguồn tin giấu tên, tập đoàn Kawasaki và công ty Airbus Helicopters, tên cũ là Eurocopter, đang chào hàng thiết kế mới cho UH-X.

Bộ quốc phòng Nhật từng trao hợp đồng UH-X cho tập đoàn Kawasaki vào năm 2012 nhưng lại hủy hợp đồng vào tháng 3/2013 sau khi 2 quan chức của lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho biết họ đã trợ giúp công ty giành được hợp đồng bằng cách tiết lộ thông tin nhạy cảm.

Các cuộc đàm phán trên được tiết lộ trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc đang vướng vào các cuộc tranh chấp vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.

Trong 20 năm qua tính tới năm 2012, Nhật Bản là nước chi tiêu cho quốc phòng nhiều thứ 6 thế giới. Trung Quốc đã nhảy vọt từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 2 sau khi tăng ngân sách quốc phòng hơn 5 lần trong cùng giai đoạn.

Nhật Bản hồi năm ngoái cho biết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 3% trong 5 năm.

Giới phân tích quốc phòng cho biết các lực lượng vũ trang Nhật thường phải chi cao gấp 2-3 lần cho thiết bị quân sự so với các quốc gia khác vì các nhà thầu quốc phòng nước này chỉ được phép chế tạo các lô hàng nhỏ cho lực lượng phòng vệ.

Nếu Nhật có thể bán các trực thăng vận tải mới mới ra nước ngoài, điều này sẽ giúp giảm chi phí mua trực thăng của quân đội Nhật bằng cách mở rộng sản xuất. Việc đưa các công ty nước ngoài vào cũng giúp giảm chi phí phát triển.

Trong một động thái có liên quan, Nhật có kế hoạch thiết lập một cơ quan thu mua quốc phòng để quản lý chi tiêu và thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng.

An Bình
Tổng hợp