Vì sao Nhật Bản gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông?
(Dân trí) - Nhật Bản đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, trong đó có việc triển khai tàu chiến lớn nhất qua Biển Đông, hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á duy trì an ninh hàng hải.
Hai mục tiêu song song với Mỹ
Trung tuần tháng 3, Nhật Bản khiến Trung Quốc “thề có phản ứng mạnh” khi tiết lộ về kế hoạch triển khai tàu chiến lớn nhất Izumo, có đặc tính giống như các tàu sân bay tấn công đổ bộ của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, để thực hiện hành trình kéo dài 3 tháng qua Biển Đông, bắt đầu từ tháng 5 tới.
Izumo sẽ ghé thăm các nước Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia, Philippines, và Sri Lanka, trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân chung Malabar với các tàu hải quân của Ấn Độ và Mỹ trên Ấn Độ Dương trong tháng 7 và trở về Nhật Bản vào tháng 8.
Hãng tin Reuters bình luận: “Đây được xem cuộc biểu dương lực lượng hải quân lớn nhất của Nhật trong khu vực kể từ Chiến tranh Thế giới II, để kiềm chế sự bành chướng của Trung Quốc”.
Vài ngày sau tin tức triển khai tàu qua Biển Đông, Nhật Bản thông báo Kaga, tàu chiến lớn thứ hai của Nhật Bản, đã được biên chế cho Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản.
Tin tức từ Nhật Bản xác nhận, Kaga góp phần giúp quân đội Nhật Bản có thêm khả năng trong việc triển khai lực lượng ở bên ngoài các khu vực bờ biển của mình, trong bối cảnh Tokyo muốn giảm sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á.
Mới đây nhất, hãng tin Kyodo đưa tin chính phủ Nhật Bản cho biết cuối tháng này, Nhật Bản sẽ chuyển giao cho Philippines 2 trong số 5 máy bay huấn luyện TC-90 mà Tokyo đã nhất trí cho quốc gia Đông Nam Á này thuê để thực hiện hoạt động tuần tra trên biển.
“Đây sẽ là lần đầu tiên máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được chuyển giao cho các nước khác”, Kyodo viết. “Tokyo dường như hy vọng rằng việc hỗ trợ những nỗ lực của Philippines thúc đẩy năng lực tuần tra trên biển sẽ hữu ích trong việc đối phó với sự quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Vẫn theo Kyodo, ngày 21/3, Nhật Bản tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực giám sát của các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm hỗ trợ các tàu tuần tra, để duy trì an ninh hàng hải của các tuyến đường hàng hải cốt yếu, giữa lúc sự quyết đoán của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Biển Đông và Hoa Đông.
Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không có người ở trên biển Hoa Đông.
“Nhật Bản đang nỗ lực dài hạn để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc tới các quốc gia ven biển Đông Nam Á, trong khi cùng lúc hợp tác với Mỹ để tăng cường sức mạnh rộng lớn hơn ở châu Á. Ảnh hưởng của Tokyo ở Đông Nam Á, cùng với mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa Mỹ, có thể nhận được sự đồng cảm rộng rãi hơn đối với tuyên bố chủ quyền trên các đảo Senkaku/Điếu Ngư”, hãng tin AP dẫn lời Giáo sư Thayer của Đại học New South Wales nói.
Jonathan Spangler, Giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông trụ sở tại Đài Bắc, bình luận: “Giống Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản đang tìm cách củng cố vai trò của một nước lãnh đạo trong khu vực. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc chứng tỏ rằng họ có khả năng và sự can đảm để hoạt động ở các khu vực ở xa biên giới của họ”.
Củng cố các lợi ích kinh tế
Biển Đông là không gian hàng hải quan trọng của Nhật Bản. Hơn 80% nguồn cung cấp dầu và 70% giao dịch thương mại của Nhật Bản đi qua các vùng biển này. Bất kỳ sự gián đoạn nào của giao thông đường biển do sự bất đồng giữa các quốc gia đòi chủ quyền hoặc sự kiểm soát quá đáng bởi một sức mạnh thống trị đơn lẻ nào đó sẽ tác động thảm khốc tới Nhật Bản.
Ngoài ra, Biển Đông là cốt lõi kết nối hàng hải giữa các nước Đông Á, liên kết Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tăng cường kết nối này rất quan trọng cho duy trì sự phát triển công nghiệp cân bằng và sự năng động thương mại ở các nước Đông Nam Á. Tăng cường kết nối cũng củng cố hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn.
Nhật Bản đã viện trợ phát triển cho Đông Nam Á từ những năm 1950. Năm ngoái, Nhật đã cam kết tăng số tiền viện trợ.
Nhật Bản đã tích cực viện trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực để tăng cường khả năng kết nối hàng hải. Khi các khoản đầu tư và thương mại với Đông Nam Á tăng lên, sự kết nối với các nền kinh tế châu Á là công cụ để đảm bảo thành công của những hợp tác kinh tế của Nhật Bản.
Therasanforum dẫn lời chuyên gia Celine Pajon thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Pháp cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế ở Đông Nam Á. Trong lúc căng thẳng đang gia tăng với Trung Quốc, Nhật Bản đang xây dựng chiều sâu chiến lược ở Đông Nam Á. Sự ổn định tại Biển Đông là một lợi ích quan trọng đối với nước phụ thuộc vào đường biển như Nhật Bản. Các nước Đông Nam Á là những đối tác quan trọng trong việc cân bằng với Trung Quốc.
Nhật Bản phô diễn sức mạnh hải quân
Tuệ An
Tổng hợp