1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản, Ấn Độ tuyên bố tăng tốc hợp tác khai thác đất hiếm

(Dân trí) - Các ngoại trưởng Nhật Bản, Ấn Độ đã nhất trí sẽ đẩy mạnh tốc độ cùng khai thác các mỏ đất hiếm tại Ấn Độ, vài ngày sau khi Trung Quốc thông báo sẽ ngừng sản xuất đất hiếm trong một tháng “để giữ giá” - báo chí hai nước hôm qua đưa tin.

 
Nhật Bản, Ấn Độ tuyên bố tăng tốc hợp tác khai thác đất hiếm - 1
Ngoại trưởng Nhật Bản (phải), và người đồng cấp Ấn Độ đang ở thăm Tokyo

Trong cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ Somanahalli Mallaiah Krishna tại Tokyo hôm 29/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba tuyên bố cả hai nước sẽ đẩy nhanh việc cùng khai thác đất hiếm tại Ấn Độ, trên tinh thần một thỏa thuận đã đạt được vào năm ngoái, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Manmohan Singh.

Hai bên cũng khẳng định sẽ tiếp tục thương lượng về một hiệp ước hợp tác hạt nhân vì mục đích dân sự.

Nhật Bản đang tìm kiếm các nguồn cung ứng đất hiếm khác để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, nước đang cung cấp trên 90% nhu cầu của toàn thế giới và hiện đang thu hẹp xuất khẩu.

Tập đoàn Thép - Đất hiếm Bao Đầu Nội Mông Trung Quốc, công ty sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, đã thông báo sẽ ngừng sản xuất trong một tháng, kể từ hôm qua 19/10, trong động thái để giữ giá loại nguyên liệu này.

Các loại đất hiếm vốn là nguyên liệu tối cần thiết cho các sản phẩm kỹ thuật cao của Nhật Bản, từ máy tính cá nhân cho đến xe hơi sử dụng cả xăng và điện.

Theo giới chuyên gia, sở dĩ Trung Quốc chiếm vị trí độc quyền trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đất hiếm là vì một số quốc gia như Mỹ, Australia… tuy có trữ lượng quan trọng, nhưng lo ngại về tác động đối với môi trường, không muốn khai thác loại tài nguyên này.

Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã quyết định giảm 35% khối lượng đất hiếm xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng thời kỳ năm trước đó. Trước sự phản đối của Nhật Bản, Mỹ và đặc biệt là Đức, Trung Quốc sau đó thông báo tăng gấp đôi lượng xuất khẩu trong sáu tháng cuối năm 2011.

Việt Hà
Theo AFP, UPI