1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhân viên phòng thí nghiệm bị buộc tội giết sinh viên gốc Việt

(Dân trí) - Cảnh sát hôm qua chính thức buộc tội nhân viên phòng thí nghiệm Raymond Clark III giết sinh viên gốc Việt Annie Le. Trong khi đó, chân dung của Clark dần hiện lên là người cứng nhắc, thường xuyên va chạm với các nhà nghiên cứu, coi lồng chuột là “lãnh địa riêng”.

 

Nhân viên phòng thí nghiệm bị buộc tội giết sinh viên gốc Việt - 1
Clark (phải) xuất hiện trước toà.

 

Cảnh sát đã bắt lại Raymond Clark III vào 8h sáng ngày 17/9 tại một nhà nghỉ sau khi đã lấy mẫu tóc, móng tay và nước bọt để so sánh với các bằng chứng từ hiện trường.

 

Tiền bảo lãnh cho Clark được đưa ra ở mức 3 triệu USD. Sau khi bị bắt, Clark cúi đầu và nói “Vâng, thưa ngài”, khi được hỏi có hiểu các quyền lợi của mình hay không.

 

Cựu vận động viên chơi bóng rổ và bóng đá thời trung học có thể hình vạm vỡ. Trong khi đó, Annie Le, 24 tuổi, nhỏ bé. Cô bị biến mất vào ngày 8/9. 5 ngày sau, đúng ngày cô dự định tổ chức đám cưới, thi thể của cô được tìm thấy trong một bức tường tại tầng hầm toà nhà nghiên cứu, nơi cô và Clark cùng làm việc.

 

Các nhà chức trách không đưa ra chi tiết nào thêm về vụ việc. Họ cũng không bàn luận về động cơ, một phần do Clark không nói chuyện với cảnh sát. Ngoài ra, họ cũng không tiết lộ kết quả xét nghiện DNA của Clark và không cho biết Clark liên quan đến vụ giết người như thế nào.

 

Trong khi đó, Dennis Smith, đại diện của gia đình Le, cho hay ông không được phép bình luận về vụ bắt giữ. Smith cũng không biết Le đã từng phàn nàn về Clark hay chưa.

 

Clark xuất hiện trước toà với hai luật sư công. Còn luật sư riêng, từng đại diện cho anh khi bị thẩm vấn trước đó, không tham gia phiên chất vấn và cho biết sẽ không bào chữa cho Clark nữa. Luật sư này từ chối nói lý do.

 

Một người “đồng bóng, cứng nhắc”

 

Theo một nhà điều tra giấu tên, các đồng nghiệp nhận xét Clark là người “đồng bóng”, coi phòng thí nghiệm và các lồng chuột thí nghiệm như lãnh thổ của mình. Quan chức này cũng cho biết cảnh sát đang tìm hiểu xem liệu thái độ của Clark có dẫn đến sự đối đầu gây nên cái chết của Le hay không. Nhưng đây cũng mới chỉ là giả thuyết.

 

Ngoài ra, nhà điều tra này cho rằng các nhà chức trách không cần phải chứng minh động cơ của vụ việc bởi họ đã có rất nhiều bằng chứng pháp y rõ ràng.

 

Là một chuyên viên, nhiệm vụ của Clark là lau dọn các lồng chuột và sàn phòng thí nghiệm.

 

Còn công việc của Le liên quan đến các cuộc thử nghiệm trên chuột, nghiên cứu enzyme để ứng dụng chữa trị các bệnh ung thư, tiểu đường, loạn dưỡng.

 

Tờ New York Times đưa tin, thỉnh thoảng Clark nổi giận nếu các nhân viên phòng thí nghiệm không đi túi bao giày.

 

Còn theo ABC News, Clark đã gửi một tin nhắn cho Le đúng vào ngày cô mất tích, yêu cầu gặp để bàn về tình trạng sạch/bẩn của các lồng chuột trong phòng nghiên cứu.

 

Còn người phụ trách giám định pháp y bang Connecticut hôm thứ tư cho hay Le bị “chết vì ngạt thở”. Điều này có nghĩa là cô bị bóp cổ hoặc bị chẹn cổ bằng một đoạn ống nào đó.

 

Trong khi đó, ngay sau khi Clark bị bắt Hiệu trưởng trường Yale đã ra tuyên bố cho biết hồ sơ làm việc của Clark không gây nghi ngờ nào.

 

Clark đã được đưa tới nhà giam dành cho những người đàng chờ xét xử ở New Haven. Clark sẽ phải xuất hiện trước toà vào ngày 6/10 tới.

 

Vũ Quý

Theo AP

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm