Nhân vật "trong bóng tối" có thể kế nhiệm Lãnh tụ Tối cao Iran
(Dân trí) - Những thay đổi về quyền lực ở Iran được quan tâm sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi qua đời trong vụ rơi trực thăng cuối tuần qua.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi từng được cho là nhiều khả năng sẽ kế nhiệm Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei (86 tuổi) nhờ khả năng chèo lái đất nước giữa hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, sau khi ông Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5, người được đồn đoán sẽ kế nhiệm chức vụ quyền lực nhất ở Iran là ông Mojtaba Khamenei, con trai của Lãnh tụ Tối cao Khamenei.
"Khi mọi người bắt đầu nói đến ông Mojtaba như một người kế nhiệm tiềm năng (của Lãnh tụ Tối cao Iran Khamenei) vào năm 2009, tôi không tin. Nhưng bây giờ thì khác. Ông ấy là một nhân vật đáng chú ý. Ông ấy đáng chú ý bởi ông ấy gần như không xuất hiện trước công chúng", Tiến sĩ Arash Azizi, giảng viên tại Đại học Clemson, cho biết.
Theo ông Azizi, ngày càng có nhiều người trong giới chính trị Iran bắt đầu công khai ủng hộ ông Mojtaba.
Ông Mojtaba, 55 tuổi, là con thứ 2 trong số 6 người con của ông Khamenei. Ông được mô tả là "nhân vật trong bóng tối" của chính trường Iran vì tuy ít xuất hiện nhưng được cho là có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Là người theo đường lối bảo thủ cứng rắn, ông lớn lên trong giới tinh hoa chính trị và giáo sĩ của Iran và sau đó thúc đẩy các mối quan hệ trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ngày nay, người ta tin rằng ông đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành văn phòng của cha mình.
Ông Mojtaba giảng dạy tại chủng viện lớn nhất Iran ở Qom, nhưng các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã phản đối bằng cấp của ông. Ông chưa đạt được thứ hạng cao trong hệ thống giáo sĩ Shi'ite, điều mà từ lâu được coi là cần thiết để đảm nhận vai trò lãnh đạo tối cao.
Tuy nhiên, ông lại có khả năng vận động chính trị. Ông cũng được cho là có mối liên hệ cấp cao khác với bộ máy an ninh của Iran.
Các nhà cải cách Iran từng cáo buộc ông có vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran năm 2005, giúp ông Mahmoud Ahmadinejad, một người theo chủ nghĩa dân túy cứng rắn, bất ngờ đánh bại các ứng cử viên hàng đầu vào thời điểm đó.
"Ông ấy đã tích lũy mạng lưới ảnh hưởng với các quan chức quyền lực, và đặc biệt là với các thành viên của Hội đồng chuyên gia, cơ quan gồm 88 người có nhiệm vụ lựa chọn Lãnh đạo tối cao tiếp theo", cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran Gabriel Noronha bình luận.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 3, Mahmoud Mohammadi Araghi, một thành viên Hội đồng chuyên gia Iran, khẳng định Lãnh tụ Tối cao Khamenei không muốn con trai ra tranh cử.
Mặt khác, ông Araghi cho biết thêm, bản thân ông Mojtaba nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật trong chính quyền nhờ sự hiểu biết rộng về luật Hồi giáo Sharia.
Ở Iran, lãnh tụ tối cao là chức vụ quyền lực nhất. Người nắm vị trí này đồng thời cũng là nguyên thủ quốc gia kiêm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran. Lãnh tụ tối cao có quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với 3 nhánh gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp, cũng như quân đội và có quyền quyết định chính sách đối ngoại của đất nước.