1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhận diện "cương lĩnh tái tranh cử" của Tổng thống Trump

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã công bố sớm “cương lĩnh tái tranh cử” thông qua thông điệp liên bang lần thứ 3 trong nhiệm kỳ.

Nhận diện cương lĩnh tái tranh cử của Tổng thống Trump - 1

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại quốc hội Mỹ ngày 5/2. (Ảnh: AP)

Thông điệp liên bang lần thứ 3 trong nhiệm kỳ được Tổng thống Donald Trump đọc trước lưỡng viện quốc hội hôm 5/2, nêu bật những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được trong 3 năm qua. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cốt yếu của nước Mỹ cần giải quyết cũng như nhưng khó khăn, thách thức mà nước này đang đối mặt đã bị bỏ qua, khiến giới quan sát cho rằng thông điệp liên bang năm nay của ông Trump mang dáng dấp của một “cương lĩnh tái tranh cử”. 

Thông thường, thông điệp tiên bang hàng năm của tổng thống Mỹ ghi nhận cả những thành tựu và khó khăn mà quốc gia đang gặp phải cũng như các vấn đề cần phải đối mặt và giải quyết trong thời gian tới. Tuy nhiên, diễn văn năm nay của Tổng thống Trump chủ yếu nói đến những thành tựu của nước Mỹ mà chính quyền của ông đã đạt được.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, những năm suy tàn của nền kinh tế Mỹ đã qua, các công ty Mỹ đang quay trở lại, số việc làm bùng nổ, thu nhập tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp trung bình thấp nhất, nghèo đói giảm mạnh, niềm tin ngày càng tăng cao. Nước Mỹ trở thành nhà sản xuất năng lượng số 1 thế giới. Mỹ đã ký được Thỏa thuận Thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc và dự luật thực thi Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Sức mạnh quân đội Mỹ được khôi phục. Mỹ đã thành công trong yêu cầu các đồng minh trong NATO tăng đóng góp ngân sách quốc phòng; nỗ lực chấm dứt các cuộc chiến tại Trung Đông, tiêu diệt thủ lĩnh IS, đảm bảo an ninh biên giới, chặn đứng nhiều phần tử tội phạm, bắt giữ các vụ buôn lậu ma túy và ngăn chặn người nhập cư trái phép.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đạt được những thành tựu trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe  như quỹ học bổng cơ hội đã giúp nhiều trẻ em có thể tiếp tục đến trường, các chương trình học nghề và kỹ thuật trong trường trung học phổ thông, phí bảo hiểm tăng gấp đôi trong 5 năm trước khi ông Trump nhậm chức…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải thành tựu nào của nước Mỹ cũng gắn với tên tuổi của Tổng thống Trump mà đã có từ trước đó. Chẳng hạn, CNN trích dẫn dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, nước này đã trở thành nhà sản xuất năng lượng số 1 toàn cầu từ thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.

Trong thông điệp liên bang, những mặt hạn chế, khó khăn mà nước Mỹ gặp phải đã bị bỏ qua. Chẳng hạn, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,3%, thấp nhất trong vòng 3 năm và kém xa mục tiêu 3% đặt ra. Nợ quốc gia của Mỹ đã phá vỡ mốc 23.000 tỷ USD, nợ công gia tăng với tốc độ kỷ lục, hơn 1.000 tỷ USD/năm. Số người Mỹ không có bảo hiểm y tế đang tăng lên, lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tuy giảm trong năm 2019, song nguồn gây ô nhiễm khác lại tăng lên.

Tình trạng bế tắc trong giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, vấn đề hạt nhân Iran, sự suy giảm vị thế của Mỹ tại Trung Đông hay việc Liên đoàn các nước Arab bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ không được nhắc đến trong thông điệp liên bang.

Điều quan trọng hơn là ông Trump đã “quên” đưa vào Thông điệp liên bang một thành tựu của chính ông là Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”... khiến giới chức Mỹ khá ngạc nhiên. 

Giới quan sát nhận định, Tổng thống Trump dường như đã biến thông điệp liên bang thành bài diễn văn tái tranh cử. Điều đó được biểu hiện ở những lời hứa, những cam kết, sự so sánh dụng ý chê bai những người tiền nhiệm và những lời chỉ trích nhắm vào đối thủ của đảng Dân chủ.

Ông cam kết đầu tư cho thế hệ trẻ, đảm bảo rằng những người trẻ tuổi được tiếp cận các cơ hội giáo dục và đạt được ước mơ của mình. Chính quyền sẽ luôn bảo vệ vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân, trong đó có chương trình Medicare, có nhiều cải cách để vấn đề chi trả phí chăm sóc sức khỏe trở nên minh bạch hơn, có các lựa chọn thay thế khiến chi phí bảo hiểm tiết kiệm hơn 60% và tốt hơn.

Chính quyền sẽ triển khai những biện pháp mạnh mẽ, cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người dân trước dịch 2019-nCoV, cam kết bảo vệ an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm y tế, kêu gọi quốc hội thông qua dự luật lưỡng đảng nhằm giảm mạnh giá thuốc kê đơn, hứa hẹn sẽ hoàn thành tường biên giới vào đầu năm 2021, cam kết đưa binh sĩ đang đóng quân tại Afghanistan về nước…

Tổng thống Trump đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm không thực hiện những lời hứa, không đem lại việc làm cho người dân, chính sách kinh tế thất bại, tỷ lệ thất nghiệp cao, dung túng cho người nhập cư trái phép, hay thất bại trong nỗ lực giải quyết xung đột Israel và Palestine… Ông cũng đã có những phát biểu phủ nhận đóng góp của phe Dân chủ đối việc cải cách hệ thống tư pháp, phúc lợi xã hội cũng như chăm sóc y tế. Ông công kích vào các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, chẳng hạn như ông Bernie Sanders - người đề xuất hệ thống y tế một bên chi trả, do chính phủ quản lý.

Báo Guardian trích dẫn lời nhiều phóng viên chính trị kỳ cựu so sánh bầu không khí buổi phát biểu thông điệp liên bang với một buổi mít tinh vận động tranh cử của Tổng thống Trump, trong đó các nghị sĩ Cộng hòa hô vang khẩu hiệu ủng hộ “Thêm 4 năm nữa”. 

Như vậy, nhìn vào bản thông điệp liên bang, có thể thấy chính quyền Tổng thống Trump đã có nhiều nỗ lực để đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội, quân sự. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cốt yếu cũng như nhưng khó khăn, thách thức không được đề cập. Và một điều cũng dễ thấy từ sự kiện là đời sống chính trị và nội tình nước Mỹ hiện đang bị chia rẽ sâu sắc, đặc biệt thông qua hành động Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi xé bài phát biểu của ông Trump ngay tại quốc hội.

Nguyễn Nhâm