1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhân chứng ám ảnh khoảnh khắc bị sóng thần “nuốt chửng” tại Indonesia

(Dân trí) - Những người may mắn sống sót sau trận sóng thần tại Indonesia đã kể lại thời khắc kinh hoàng khi phải đối mặt với thảm họa cướp đi sinh mạng của hơn 400 người.

Số người chết tăng, Indonesia gặp khó khăn chồng chất sau sóng thần “quái vật”

Nhân chứng ám ảnh khoảnh khắc bị sóng thần “nuốt chửng” tại Indonesia - Ảnh 2.

Người đàn ông bật khóc khi nhận diện thi thể người thân sau trận sóng thần ở tỉnh Banten. (Ảnh: Reuters)

Toàn bộ 106 thi thể đã được tìm thấy và dọn dẹp sạch sẽ, tuy nhiên dấu vết của bữa tiệc vào tối 22/12 tại khu nghỉ dưỡng Tanjung Lesung trên đảo Java vẫn còn cho đến tận bây giờ, sau 4 ngày xảy ra thảm họa.

Đây cũng chính là nơi ban nhạc pop Seventeen biểu diễn trước những người hâm mộ và các khán giả dự tiệc vào buổi tối định mệnh, đúng vào thời điểm sóng thần ập tới và cuốn phăng đám đông đang tập trung bên bờ biển.

Bây giờ, khu vực này chỉ còn trơ lại một sân khấu đổ nát bằng kim loại, đan xen với những chiếc ghế gãy nhìn ra eo biển Sunda ở bờ biển phía tây tỉnh Banten, Indonesia.

Khoảnh khắc sóng thần “cuốn phăng” ban nhạc biểu diễn tại Indonesia

Những người lính làm nhiệm vụ tìm kiếm người sống sót, một số dắt theo chó nghiệp vụ, bước qua dàn nhạc cụ bị biến dạng. Những máy bay không người lái kêu vo ve trên đầu khi một sĩ quan cảnh sát thừa nhận rằng anh sẽ rất ngạc nhiên nếu cho đến tận bây giờ vẫn còn tìm thấy người nào đó sống sót.

"Có thi thể đàn ông, phụ nữ và cả trẻ con", Kunto Wijoyo, giám đốc khu nghỉ dưỡng Tanjung Lesung, nói với Guardian.

Ông Kunto cho biết 106 người đã thiệt mạng xung quanh khách sạn tại khu nghỉ dưỡng này. Trong khi đó, giới chức Indonesia hôm qua xác nhận số nạn nhân tử vong do thảm họa sóng thần trên đảo Java và Sumatra đã tăng lên ít nhất 429 người. Con số thương vong dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên khi 154 người đang được xác định mất tích và hơn 1.500 người vẫn bị thương.

Sóng thần đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà, đẩy 16.082 người vào cảnh không màn trời chiếu đất. Nhiều người lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều ngôi nhà nữa có bị đổ sập hoặc bị hư hại do những đợt sóng mới. Nhiều người mất nhà cửa đã trú ẩn tạm thời tại các trại tị nạn do chính phủ vận hành ở dọc bãi biển Banten.

Kusnadi là một trong số những người như vậy. Ngoài việc lo lắng cho sự vững chãi của ngôi nhà nơi ông từng sống, Kusnadi cũng lo ngại về sức khỏe tâm lý của chính ông. Người đàn ông 56 tuổi bị sốc khi chứng kiến hai thi thể không còn nguyên vẹn vào sáng hôm sau khi thảm họa sóng thần xảy ra.

"Tôi không nhìn thấy con sóng nào cả, tôi chỉ nghe thấy tiếng: "Ù ù". Không có dấu hiệu nào cho thấy sóng thần đang đến, và tôi bị ngã. Những quầy hàng bị cuốn trôi, mọi người bỏ chạy, trong khi con sóng đuổi theo tôi", ông Kusnadi kể lại.

"Tôi chạy thục mạng. Vào buổi sáng hôm sau, tôi trở lại và nhìn thấy hai thi thể gần bờ biển. Thi thể của họ trương phồng lên, giống như đã tích nước quá nhiều. Bây giờ tôi sợ nhìn thấy biển, ngay cả khi biển lặng tôi vẫn thấy sợ. Tôi không đủ dũng cảm để trở về nhà vì nhà tôi rất gần bãi biển", ông Kusnadi nói thêm.

Nhân chứng ám ảnh khoảnh khắc bị sóng thần “nuốt chửng” tại Indonesia - Ảnh 4.

Người đàn ông đứng tại ngôi nhà bị phá hủy sau trận sóng thần tại Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Bahrudin, 40 tuổi và là người có xe ô tô bị sóng thần cuốn đi, đã hồi tưởng lại khoảnh khắc xảy ra thảm họa. Sóng thần ập tới khi Bahrudin đang đi bộ dọc khu vực ven biển cùng với những người bạn vào tối 22/12.

"Tôi nhìn thấy những con sóng cao hơn bức tường 2 mét. Tôi tìm cách bỏ chạy nhưng không kịp, con sóng đã nuốt chửng tôi. Tôi ngất đi trước khi tỉnh dậy ở một nơi cách xa khoảng 200m. Đó là trên một cánh đồng. Sau đó tôi chạy về nhà và may mắn phát hiện ra rằng cả gia đình tôi vẫn sống sót", Bahrudin kể lại.

Bahrudin chia sẻ rằng mặc dù có rất nhiều vết sẹo trên cơ thể sau khi bị sóng thần cuốn đi, nhưng anh vẫn là một trong những người may mắn tại khu vực này. Ít nhất anh vẫn còn giữ được mạng sống, trong khi hàng trăm người khác đã thiệt mạng.

Nỗi lo sau thảm họa


Nhân chứng ám ảnh khoảnh khắc bị sóng thần “nuốt chửng” tại Indonesia - Ảnh 5.

Những túi đựng thi thể được tập kết tại cơ sở y tế sau thảm họa sóng thần ở Banten. (Ảnh: Reuters)

Hiện có nhiều tình nguyện viên đang nỗ lực giúp đỡ những người bị mất nhà cửa sau trận sóng thần tại Indonesia. Các tổ chức như Hội Chữ Thập Đỏ, Tầm nhìn Thế giới, cùng các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ người dân về thuốc men, y tế và nơi trú ẩn tạm thời bên cạnh sự trợ giúp của chính phủ. Tuy vậy, một số hoạt động viện trợ vẫn diễn ra chậm chạp.

Aula Arriani, một nhân viên của Hội Chữ Thập Đỏ tại tỉnh Banten, cho biết các nhà chức trách Indonesia đã phát đi cảnh báo về nguy cơ xảy ra những đợt sóng thần nguy hiểm trong thời gian tới và điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong việc cứu trợ nhân đạo trên quy mô lớn.

"Chúng tôi nhận ra rằng người dân khá lo lắng sợ hãi", Arriani cho biết.

Trong tâm trạng sợ hãi, hàng trăm người dân hoảng loạn, trong đó có nhiều trẻ em, hôm qua đã tìm cách chạy trốn khỏi làng Sumber Jaya sau khi có tin đồn nói rằng một trận sóng thần khác sắp ập tới. Nhiều người đã trèo lên phía sau các phương tiện hoặc chạy bộ với hy vọng có thể đến được nơi an toàn ở những vùng đất cao hơn trong khi nước biển đang dâng cao.

"Hãy chạy lên những ngọn đồi - sắp có sóng đấy!", mọi người gào thét.

Nhân chứng ám ảnh khoảnh khắc bị sóng thần “nuốt chửng” tại Indonesia - Ảnh 6.

Người dân dọn dẹp đống đổ nát sau khi sóng thần càn quét qua. (Ảnh: Reuters)

Cảnh sát và lực lượng cứu hộ cũng tìm cách giúp đỡ người dân. Tuy nhiên, một nhà thờ địa phương sau đó đã đính chính thông tin trên loa phát thanh rằng, nước biển dâng cao thực chất là hiện tượng thủy triều bình thường.

Hệ thống phao cảnh báo sóng thần tại Indonesia đã không hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên một quan chức chính phủ cho biết việc thiết lập một hệ thống cảnh báo mới nhằm phát hiện sóng thần xảy ra do lở đất dưới đáy biển sẽ được bắt đầu vào năm tới. Giám đốc khu nghỉ dưỡng Tanjung Lesung nói rằng ông muốn chính phủ Indonesia xây dựng một đê chắn sóng tại khu vực này.

Indonesia khẩn trương khắc phục hậu quả sau thảm họa sóng thần

Thành Đạt

Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm