1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhân bản vô tính phôi người đạt bước đột phá

(Dân trí) – Các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng kỹ thuật nhân bản vô tính người để tạo ra những phôi sơ khai, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành y học tái sinh.

Một phôi ở giai đoạn túi phôi
Một phôi ở giai đoạn túi phôi

Các phôi nhân bản được sử dụng như một nguồn tế bào gốc, có thể giúp tạo các mô cơ tim, xương, não hoặc bất kỳ loại tế bào nào khác trong cơ thể.

Nghiên cứu này, được công bố trên tạp chí Cell, đã sử dụng phương pháp từng được dùng để tạo ra chú cừu Dolly tại Anh.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết các nguồn tế bào gốc khác có thể dễ có được, rẻ hơn và ít gây tranh cãi hơn. Những người phản đối phương pháp này cho rằng việc thí nghiệm trên phôi người là vô đạo đức và đã kêu gọi các chính phủ ban bố lệnh cấm.

Tế bào gốc là một trong những niềm hy vọng lớn cho ngành y. Việc có thể tạo ra mô mới có thể giúp điều trị các tổn thương do các cơn đau tim gây ra hoặc hồi phục các tủy sống bị tổn thương.

Hiện đã có những thử nghiệm sử dụng tế bào gốc lấy từ phôi của những người hiến tặng để phục hồi thị lực. Tuy nhiên những tế bào được hiến tặng lại không phù hợp với bệnh nhân nên sẽ bị cơ thể đào thải. Việc nhân bản vô tính sẽ giúp khắc phục được vấn đề này.

Kỹ thuật chuyển nhân tế bào xôma đã trở nên nổi tiếng sau khi cừu Dolly trở thành động vật có vú đầu tiên được nhân bản năm 1996.

Các tế bào da được lấy từ người trưởng thành còn các thông tin về gen được đặt vào bên trong trứng của người hiến tặng. Những quả trứng này đã được loại bỏ ADN. Điện sau đó được sử dụng để kích thích trứng phát triển thành một phôi.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từng gặp khó khăn trong việc triển khai trên người. Các quả trứng có sự phân bào nhưng thường không vượt qua được giai đoạn 6 – 12 tế bào.

Nay, một nhóm các nhà khoa học tại đại học y tế và khoa học Oregon đã phát triển được phôi lên giai đoạn túi phối, với khoảng 150 tế bào, đủ để cung cấp một nguồn tế bào gốc phôi thai.

Tiến sỹ Shoukhrat Mitalipov cho biết: “Một nghiên cứu kỹ lưỡng về các tế bào gốc được tạo ra thông qua kỹ thuật này đã cho thấy khả năng của chúng trong việc chuyển hóa giống như các tế bào gốc phôi thai thông thường, thành nhiều loại tế bào khác nhau, bao gồm tế bào thần kinh, gan và tim.

Dù còn nhiều việc phải làm trong việc phát triển các phương pháp điều trị tế bào gốc hiệu quả và an toàn, chúng tôi tin rằng đây là một bước tiến hướng tới việc tạo ra các tế bào có thể dùng trong y học tái sinh”, ông Mitalipov khẳng định.

Những người phản đối các kỹ thuật mới cho rằng, tất cả các phôi, cho dù được tạo ra trong phòng thí nghiệm hay không, đều có khả năng phát triển thành một con người đầy đủ. Và do đó việc tiến hành thí nghiệm trên các phôi này là sai trái về mặt đạo đức.

Thanh Tùng
Theo BBC