Nhà vua Thái Lan - Nhân chứng của những cuộc khủng hoảng
(Dân trí) - Ông là người đã chứng kiến 20 đời thủ tướng, chứng kiến 15 bản hiến pháp bị hủy bỏ và cũng chừng đó số các vụ đảo chính. Ông là ai, và ông đã làm thế nào để có thể chiếm được con tim khối óc của người dân ở một đất nước luôn có những biến động về chính trị như vậy?
Cứ mỗi lần xảy ra khủng hoảng, người dân Thái Lan lại trông về nhà Vua Bhumibol Adulyadej, người đã nắm vương quyền tại quốc gia này trong suốt 60 năm qua và cũng là người đã giúp Thái Lan đoàn kết vượt qua những xáo động thường xuyên xảy ra ở nước này.
Tư lệnh lục quân Thái Lan, Tướng Sonthi Boonyaratglin đã yết kiến nhà Vua ngay sau khi tuyên bố rằng ông đã tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra vào ngày 19/9.
Trong phát biểu trên truyền hình sau cuộc đảo chính, giới lãnh đạo phe đảo chính đã cho đặt hai bức ảnh lớn của nhà Vua và Hoàng hậu sau lưng họ, một hành động chủ yếu chỉ để nhằm đảm bảo với người dân Thái Lan rằng họ vẫn sùng kính và trung thành với nhà Vua.
Trên thực tế, nhà Vua Bhumibol không có nhiều quyền lực nhưng ông lại có ảnh hưởng rất lớn tới người dân Thái Lan, những người sùng kính ông, coi ông như một vị thánh. Trong một nền văn hóa mà tôn giáo và hoàng gia hòa quyện vào nhau, vị vua 78 tuổi này đã rất cẩn trọng trong việc sử dụng vai trò chăm lo tới thần dân của mình và đã giúp điều tiết những biến động chính trị và xã hội tại Thái Lan trong suốt sáu thập kỷ qua.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, khoa chính trị trường Đại học Chuloalongkorn nói: "Vào thời điểm xảy ra các cuộc khủng hoảng, khi chúng tôi rơi vào thế bế tắc, chúng tôi lại trông về nhà Vua, mong ngài sẽ giúp chúng tôi tìm ra một lối thoát".
Nhà Vua Bhumibol sinh vào ngày 5/12/1927, tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Cha của ông, Hoàng tử Mahidol lúc đó đang học ngành y tại Đại học Harvard, và vì ông không phải là anh cả trong gia đình, nên chẳng ai có thể ngờ là một lúc nào đó ông sẽ là người nắm giữ ngai vàng. Cha của ông mất vào lúc ông vẫn còn là một đứa bé đang chập chững tập đi. Lúc đó, để bảo vệ gia đình khỏi những bất ổn chính trị trong nước, lúc bấy giờ đang chuyển đổi từ Vương quốc Xiêm thành một nhà nước quân chủ có tên là Thái Lan, mẹ của ông đã quyết định giữ gia đình tại Mỹ và Châu Âu, và thời niên thiếu của ông trôi qua hầu hết ở những châu lục trên. Và ở một mức độ nào đó bà đã thành công.
Ngày 9/6/1946, cùng ngày khi nhà vua Rama VIII, anh trai ông bị chết do bị bắn (nguyên nhân chưa bao giờ được làm sáng tỏ) ông đã được phong làm Vua Thái Lan.
Sau khi lên ngôi, ông tới Thụy Sĩ để học và đã không chính thức nắm giữ ngai vàng cho đến tháng 5/1950, khi đó ông mới nhận được tên hoàng gia chính thức là "Rama the Ninth". Tên đầy đủ của ông có nghĩa là "Sức mạnh của đất và Quyền năng vô song".
Uy quyền của tước hiệu đi đôi với sự sùng kính là những gì mà nền quân chủ Thái Lan đang được hưởng. Ảnh của ông được treo trên mọi taxi, văn phòng và cửa hiệu. Trước bất cứ bộ phim nào, khán giả trong các rạp đều đứng lên để tỏ lòng kính trọng nhà Vua trong lúc các hình ảnh của ông chạy lướt qua màn hình. Khi quốc ca cử hai lần/ngày trên đài phát thanh và đài truyền hình, người dân dừng lại và đứng để tỏ lòng kính trọng nhà Vua, ngay cả khi họ đang ở ga điện ngầm vào giờ cao điểm.
Trong 60 năm cầm quyền, ông đã chứng kiến sự ra đi của 20 thủ tướng, 15 bản hiến pháp và cũng khoảng chừng đó những vụ đảo chính. Bất chấp lập trường trung lập với các công việc chính trị, ông thỉnh thoảng cũng can thiệp vào công việc này với hiệu quả cao đến không ngờ.
Trong năm 1973, sau khi các vụ bạo động bùng phát tại một trường Đại học ở Bangkok, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng bất ổn xã hội đang gia tăng, Quốc vương Bhumibol đã yêu cầu thủ tướng lúc đó và các tùy tùng của ông này rời khỏi đất nước và họ đã tuân lệnh.
Năm 1992, khi hàng trăm nghìn người đổ xuống các đường phố Bangkok để yêu cầu lập lại luật dân sự. Hàng chục người đã bị thiệt mạng sau khi một thành viên của chính quyền quân sự lúc đó là Tướng Suchinda Kraprayoon lên nắm quyền thủ tướng mà không qua bầu cử. Quốc vương Bhumibol khi đó đã triệu tập Tướng Suchinda và các lãnh đạo ủng hộ dân chủ tới cung điện, khiển trách họ và yêu cầu hòa giải. Việc giết chóc sau đó chấm dứt và Tướng Suchinda đã chấp nhận từ chức.
Vụ gần đây nhất diễn ra vào ngày 25/4/2006, khi đó nhà Vua đã công khai khiển trách các quan tòa của Toà án Tối cao, ra lệnh cho họ phá vỡ bế tắc chính trị nảy sinh sau nhiều tháng biểu tình trên đường phố do kết quả của cuộc bầu cử trước đó không minh bạch. (Cuộc bầu cử được tiến hành ngày 2/4/2006 và ông Thaksin đã giành chiến thắng áp đảo do phe đối lập đã tẩy chay bầu cử). Tại buổi gặp này ông đã nói với các quan tòa rằng nếu các ngài không làm, các ngài có thể phải từ chức. Các ngài phải tìm ra các biện pháp để giải quyết vấn đề này. Các quan tòa sau đó đã hủy bỏ kết quả bầu cử và ra lệnh tổ chức cuộc bầu cử mới.
Một vấn đề nữa giúp ông chiếm trái tim của mọi người dân Thái Lan đó là sự ủng hộ liên tục của ông đối với các giá trị Phật giáo cổ về sự tự túc và điều độ trước nền văn hóa tiêu thụ đang phát triển nhanh chóng.
Ông đã tài trợ cho hàng nghìn dự án phát triển trên khắp đất nước, rất nhiều dự án dựa trên nghiên cứu riêng của ông về kiểm soát nước, đặc biệt là trong các dự án nhằm tìm cách ngăn chặn lũ lụt tại Bangkok.
Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày lên ngôi của Quốc vương Bhumibol, ông Chommapat Sodsai, người làm việc trong một nhóm môi trường nhớ lại: "Ba mươi năm trước, Bangkok phải trải qua một trận lụt lớn, Quốc vương đã đến để chứng kiến hoàn cảnh của người dân trên một chiếc thuyền nhỏ. Ông đã không thông báo cho mọi người khi rời khỏi cung điện. Ông đến để chứng kiến tận mắt thiệt hại. Đó là Quốc vương của chúng tôi".
Một số mốc lịch sửa quan trọng của Thái Lan
Ngày 24/6/1932: Nhà Vua Prajadhipok bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu. Sau đó một nền quân chủ lập hiến và quốc hội được thành lập.
Tháng 12/1938, lãnh đạo quân sự Luang Phibun Songkram trở thành Thủ tướng.
Ngày 9/6/1946, Quốc vương Rama VIII bị chết một cách bí ẩn, em trai của ông, Bhumibol Adulyadej, nhà Vua Thái Lan hiện nay, lên nắm quyền.
Ngày 8/11/1947, một vụ đảo chính khác đã dẫn đến việc ông Phibun Songkram trở lại nắm quyền, mở ra một giai đoạn mới: quân đội nắm quyền kéo dài đến năm 1973.
Ngày 14/10/1973, khoảng 400.000 người biểu tình do sinh viên đứng đầu đã lật đổ chính quyền quân sự, mở ra một giai đoạn dân chủ ngắn.
Ngày 6/10/1976, một cuộc đàn áp thẳng tay các sinh viên biểu tình đã kết thúc bằng việc giới quân sự trở lại nắm quyền.
Ngày 26/3/1877: Chính phủ quân sự đã phá vỡ một âm mưu đảo chính do Tướng Chalard Hiranyasiri cầm đầu sau khi ông Chalard và khoảng 300 binh sĩ chiếm giữ bốn tòa nhà chính phủ và quân sự.
Ngày 20/10/1977: Một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu do Đô đốc Sangad Chaloryoo tiến hành, đưa ông Kriangsak Chomanan lên làm thủ tướng.
Ngày 9/9/1985, các quan chức quân sự về hưu đã tiến hành một cuộc đảo chính, nhưng thất bại.
Ngày 23/2/1991, Tướng Sunchinda Kraprayoon đã lật đổ chính phủ dân sự của Thủ tướng Chatichai Choonhavan trong một cuộc đảo chính không đổ máu, lập lên một chính quyền quân sự với cái gọi là Hội đồng Duy trì Hòa bình Quốc gia.
Tháng 5/1992, chính quyền của Thủ tướng Sunchinda kết thúc khi binh sĩ bắn chết ít nhất 20 người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Bangkok. Sau vụ bạo lực này, nhà Vua Bhumibol đã can thiệp nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình và quốc hội bỏ phiếu giảm bớt quyền lực của quân đội trong các hoạt động chính trị của Thái Lan. |
A.K