Nhà Trắng lên tiếng sau cảnh báo "tận thế hạt nhân" của Tổng thống Biden
(Dân trí) - Nhà Trắng cho biết không nhận được thông tin tình báo mới nào về mối đe dọa hạt nhân từ Nga, sau khi Tổng thống Joe Biden đề cập đến "ngày tận thế hạt nhân".
"Tổng thống chỉ nhấn mạnh những gì chúng tôi đã tuyên bố, đó là cách chúng tôi xem xét những mối đe dọa về vũ khí hạt nhân một cách nghiêm túc. Chúng tôi chưa thấy có lý do gì để điều chỉnh chính sách hạt nhân chiến lược của mình, cũng như không có dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói hôm 7/10.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc cũng đưa ra tuyên bố khẳng định Mỹ "chưa thấy có bất cứ lý do gì để điều chỉnh trạng thái hạt nhân chiến lược của mình, cũng như không thấy dấu hiệu nào về việc Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân".
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ "ngày tận thế hạt nhân" ở mức cao chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Tổng thống Biden cho biết ông hiểu khá rõ về Tổng thống Nga Vladimir Putin và tin rằng nhà lãnh đạo Nga "không nói đùa" khi cảnh báo sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân trên chiến trường Ukraine.
Trước đó, trong bài phát biểu hôm 21/9, Tổng thống Putin ngụ ý có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu "toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin "có lẽ không phải là một lời nói suông, mà có thể trở thành sự thật".
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước láng giềng từ hôm 24/2, giới chức Nga nhiều lần đề cập tới học thuyết hạt nhân của nước này, trong đó nêu rõ những điều kiện cho phép Moscow được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.
Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của nước này hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ vũ khí nào trong kho vũ khí của Moscow, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược, đều có thể được sử dụng để bảo vệ các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga. Tổng thống Putin và lãnh đạo 4 vùng Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraine tuần trước đã ký thỏa thuận về việc sáp nhập.
Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, gần đây cho rằng Nga nên cân nhắc sử dụng "vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ" trên chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Moscow không dựa trên cảm tính khi thảo luận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng nhận định Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột Ukraine. Ông Wallace cho biết viễn cảnh Nga phóng vũ khí hạt nhân chống lại lực lượng Ukraine là "rất khó xảy ra".