Nhà tỉ phú tự cắt tóc, tự lái máy bay
Tại sao một người có trong tay 4,2 tỉ USD vẫn làm việc một ngày 12 tiếng, không bao giờ bước chân đến tiệm cắt tóc và tự lái máy bay, xe hơi thay vì thuê người lái? Câu trả lời của John Caudwell, “vua điện thoại di động” ở Anh, là “Tại sao tôi phải mất tiền cho một công việc mà tôi có thể tự làm lấy?”
John Caudwell, năm nay 53 tuổi, có một nguyên tắc đồng thời là phương châm sống: Lao động không ngừng để đạt thăng bằng trong cuộc sống. Còn những mẩu chuyện nho nhỏ như thích mua nước cam ép ở cửa hàng khuyến mãi gần nhà hay tự cắt tóc thay vì đến tiệm đều xuất phát từ một quan niệm hết sức quen thuộc của những người từng trải qua một thời hết sức khó khăn. Ông phát biểu trên tạp chí Financial Times: “Tôi tin rằng có nếm mùi gian khổ rồi mới biết quý những gì mình sở hữu”.
Cạnh tranh với chính mình
Ông giải thích chuyện mua nước cam ép: “Tôi cũng giống như mọi người. Nếu tôi mua được hàng có chất lượng với giá rẻ, tại sao phải trả nhiều tiền hơn?”. Chuyện cắt tóc cũng na ná như thế. Caudwell mua một chiếc tông-đơ điện ở cửa hàng tân dược Boots, bật nấc số một, canh độ dài mái tóc rồi tự cắt tóc mình. Ông tâm sự: “Vấn đề ở đây không phải là tiền mà là tại sao bỏ ra 10 bảng (302.000 VNĐ) và mất nhiều thời gian cho một việc có thể tự làm lấy”. Như vậy, ngoài cách xài tiền hợp lý, ông Caudwell còn coi thời gian là một mặt hàng quý hiếm, rất khó nắm bắt vì nó cứ trôi đi bất chấp những nỗ lực níu kéo của bạn.
Caudwell có một bộ răng xộc xệch thấy ghê nhưng ông vẫn để như thế. Hình như ông chưa bao giờ đặt chân đến phòng khám răng. Căn phòng làm việc của ông cũng không toát lên điều gì cho biết chủ nhân của nó là một tỉ phú. Chiếc bàn làm việc màu đen đơn giản và gọn gàng. Tuy nhiên, hình ảnh treo trên tường phản ánh thật rõ ràng nỗi đam mê tốc độ và sức mạnh. Đó là một chiếc du thuyền rẽ sóng mạnh mẽ, một chiếc mô tô đang phóng hết tốc lực. Trong thực tế, phần lớn thời gian ông Caudwell đi làm bằng xe đạp, một chiếc xe hết sức đặc biệt về mặt tiện nghi. Cũng với chiếc xe đạp này, ông từng tham gia một cuộc đua vì mục đích từ thiện dài 3.680 km xuyên châu Âu.
Say mê tốc độ là một thuộc tính của John Caudwell. Ông thừa nhận: “Nói ra khá buồn cười nhưng tôi thích vậy: Luôn luôn tự cải thiện mình trong bất cứ việc gì, từ chuyện bếp núc đến chuyện đi xe đạp. Nếu có người khác tham gia thì tôi càng thích vì nó tăng thêm một yếu tố để cạnh tranh. Nói chung, dẫu không có ai thì tôi cũng thích cạnh tranh với chính mình”.
Là một người có rất nhiều tiền nhưng Caudwell không ăn xài như ông hoàng. Ông thú thật: “Tôi biết có nhiều người không giàu bằng tôi nhưng sắm hàng chục chiếc xe hơi. Cá nhân tôi chỉ có một chiếc Bentley Continental GT như mọi người. Vợ tôi lái một chiếc xe năm cửa chạy bằng dầu diesel, cũng bình thường thôi”.
Gia đình của John Caudwell khá đông người. Hai vợ chồng ông có đến 4 người con, đứa lớn nhất 25 tuổi, còn nhỏ nhất mới 5 tháng tuổi. Căn nhà Broughton Hall của họ rất lớn, có 65 phòng, nằm giữa một khuôn viên rộng 12 ha. Tuy nhiên, Caudwell chỉ thuê một thợ làm vườn và một bà quản gia. Không có người giúp việc nào khác... “Như thế cũng đủ để cai quản đất đai và nhà cửa của tôi”.
Caudwell thích mua nước cam ép rẻ tiền nhưng đối với rượu vang, ông chọn một giải pháp khác, tính toán rất cặn kẽ. Trước hết, ông chọn một nhà sản xuất rượu vang có tiếng ở Pháp. Sau đó ông lái máy bay riêng chở bạn bè đến đó thương lượng với nhà sản xuất và mua một lần 1.000 chai đem về dùng. Tuy vậy, ông Caudwell không thích những chuyến nghỉ mát sang trọng, cặp bồ với những người đẹp chân dài, uống những chai rượu vang trăm tuổi, điều thường thấy ở những nhà tỉ phú thích phô trương sự giàu có của mình.
Có vẻ như ông như ông chủ tập đoàn Caudwell, chuyên ngành thông tin di động, không muốn hưởng thụ sự thành công trên thương trường. Ông Caudwell đính chính ngay: “Đừng tin tất cả những gì báo chí nói về tôi. Tôi có một chiếc trực thăng Robinson nhưng nhỏ thôi. Tôi cũng có một chiếc máy bay hai động cơ nhưng không phải động cơ phản lực lại có tuổi rồi (sản xuất cách đây 25 năm)”. Dĩ nhiên, ông Caudwell tự cầm lái cả hai chiếc máy bay. Ngoài ra, ông còn sở hữu một chiếc du thuyền sang trọng mang tên Sun-Seeker. Như vậy không thể nói ông không hưởng thụ, nhưng ông làm việc đó một cách chừng mực.
Sống tự hào
Nói về quan điểm sống của mình, ông Caudwell giãi bày: “Tất nhiên, tôi có đủ tiền để sống một cuộc đời nhàn hạ, thích sắm gì cũng được. Nhưng điều quan trọng nhất là sống tự hào về những gì mình đã làm, về những gì mình đạt được và tiếp tục đối mặt với những thử thách mới. Đối với tôi, thú vui không nhất thiết là ăn chơi, chu du khắp thế giới. Tôi không nói tôi không muốn làm những chuyện ấy nhưng tôi không thể vắng mặt quá lâu. Tôi nghĩ rằng tôi cần làm việc. Đây là vấn đề cân bằng (cuộc sống)”.
Rất nhiều tỉ phú sinh ra trong một gia đình giàu có hoặc trí thức. John Caudwell không có cái may mắn đó. Cha ông bị tai biến mạch máu não mất lúc ông mới 18 tuổi. Khởi nghiệp từ việc mở cửa hàng bách hóa nhỏ năm 20 tuổi, bán quần áo cho dân chạy mô tô qua bưu điện, rồi bán xe hơi, ông Caudwell bước vào ngã rẽ cuộc đời năm 1987 khi mua bán điện thoại di động. Hiện nay, tập đoàn Caudwell do hai anh em nhà Caudwell sáng lập có 15 công ty con, trong đó có 350 cửa hàng Phones 4U mỗi phút bán được 26 điện thoại di động.
Nói về tiền bạc, ông có quan điểm hết sức rõ ràng: “Tôi không nghĩ rằng có tiền là một điều tốt lành. Nó đem lại lợi ích cho nhiều người đồng thời cũng hại người không ít. Chẳng thế mà người ta thường nói đồng tiền là cội nguồn của mọi tội lỗi đó hay sao”. Vì nghĩ như vậy cho nên ông Caudwell còn nổi tiếng làm từ thiện. Ông thành lập một tổ chức cứu trợ trẻ em khuyết tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo Thảo Hương
Người lao động