1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhà kinh tế Milton Friedman đã từ trần

(Dân trí) - Milton Friedman, nhà kinh tế lý thuyết hàng đầu thế giới, đã qua đời hôm 16/11 tại San Francisco ở tuổi 94. Lịch sử phát triển của kinh tế học hẳn sẽ dành cho ông một chỗ xứng đáng trong ký ức vì những nghiên cứu làm thay đổi hoàn toàn nhận thức về các hành vi điều tiết của Nhà nước.

Ông sinh ngày 31/7/1912 tại Brooklyn, New York, Mỹ, trong một gia đình nhập cư người Do Thái.

 

Nổi tiếng với câu nói vui “Không tồn tại bữa ăn trưa miễn phí” đã trở thành nguyên lý đầu tiên trong 10 nguyên lý của kinh tế học, Friedman là cha đẻ của lý thuyết về chính sách tiền tệ và đã vinh dự được trao giải thưởng khoa học Nobel cho những thành quả nghiên cứu về tiêu dùng, giải quyết việc làm theo các giai đoạn và về lý thuyết tiền tệ vào năm 1976.

 

Các nghiên cứu của ông đặc biệt có tầm ảnh hưởng vào cuối những năm 1960. Cùng với Edmunds S. Phelps ( giải Nobel kinh tế 2006), ông đã đưa ra những lập luận xác đáng giải thích cho sự thất bại của đường cong Philip trong việc mô tả mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát.

 

Những nghiên cứu sau đó của ông lại tập trung vào việc giải quyết các cơ chế quyết định hành vi của người tiêu dùng và các cơ chế đứng đằng sau thị trường tiền tệ.

 

Ông được coi là nhà tư tưởng kinh tế hàng đầu của thế kỷ 20, là nhà vận động cho chủ nghĩa tự do và ủng hộ nhiệt thành cho kinh tế tự do. Tư tưởng tự do của ông đã làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người, trong đó có cả tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới, giới doanh nhân và nhiều nhà kinh tế học khác.

 

Ông từng là cố vấn kinh tế cho hai đời tổng thống Hoa Kỳ là Ronald Reegan và Richard Nixon; và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Các nhà lãnh đạo lớn này đã bị “lôi cuốn” bởi luận điểm nổi tiếng một thời của ông, cho rằng lượng cung tiền là yếu tố cơ bản quyết định tăng trưởng kinh tế và tốc độ lạm phát.

 

Ngoài ra, Friedman còn là người ủng hộ việc xóa bỏ các quy định và quá trình tư hữu hoá.

 

Ông là tác giả của rất nhiều tài liệu nghiên cứu và sách được dịch ra hàng chục thứ tiếng.

 

Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế, ông còn được biết đến với tư cách là một người tranh đấu cho quyền tự do. Ông ủng hộ việc bãi bỏ chế độ quân dịch ở Mỹ sau cuộc chiến tranh Việt Nam và tự coi đây cũng là một trong những thành tích đáng tự hào nhất của mình.

 

Có những nhà kinh tế học mà công trình của họ rất có thể đã làm thay đổi cả bộ mặt của thế giới, những con người mà sự nghiệp của họ vẫn còn tỏa bóng xuống các thế hệ sau, ngay cả sau khi họ đã ra đi.

 

Milton Friedman là một người như vậy.

 

Đặng Lê