1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhà du hành Nga lập kỷ lục sống trong không gian lâu nhất

(Dân trí) - Nhà du hành người Nga Gennady Padalka ngày 12/9 đã trở về Trái đất, và lập kỷ lục mới với tổng cộng 879 ngày sống trong không gian sau 5 lần bay vào vũ trụ.

Thành tích trên của ông Gennady Padalka đã vượt xa kỷ lục trước đó của đồng nghiệp Sergei Krikalev, người có tổng cộng 803 ngày sống trong vũ trụ sau 6 lần làm nhiệm vụ.

Nhà du hành Nga Gennady Padalka được chăm sóc sau khi hạ cánh (Ảnh: AP)
Nhà du hành Nga Gennady Padalka được chăm sóc sau khi hạ cánh (Ảnh: AP)

Khoang phi thuyền chở nhà du hành 57 tuổi đã hạ cánh xuống miền trung Kazakhstan, nơi ông được các nhân viên mặt đất và trực thăng đưa về thủ đô Astana.

Cùng trở về với cựu chỉ huy trạm ISS còn có nhà du hành Andreas Mogensen của Cơ quan vũ trụ châu Âu, người được đặt biệt danh Gagarin của Đan Mạch sau khi là nhà du hành đầu tiên của nước này bay vào vũ trụ. Người còn lại trong chuyến trở về là Aidyn Aimbetov người Kazakhstan. Hai người này trước đó đều mới lưu lại trong không gian chưa đến 10 ngày.

Tại thủ đô Astana, cả ba nhà du hành được Tổng thống nước chủ nhà Nursultan Nazarbayev trải thảm đỏ tiếp đón.

“Ông đã sống rất lâu trong vũ trụ, nhưng trong vẫn thật tuyệt”, ông Nazarbayev nói với nhà du hành Padalka.

“Có đến 200 quốc gia trên thế giới, nhưng không phải tất cả đều có may mắn đưa công dân của họ vào không gian. Chúng ta là một trong những trường hợp hiếm hoi đó, và đến nay chúng ta đã có đến 3 nhà du hành chứ không phải một”, vị Tổng thống tự hào nói.

Đáp lại ông Padalka đã chúc mừng Kazakhstan khi có thêm một nhà du hành vũ trụ, cũng như toàn thể mọi người vì đã hoàn thành thắng lợi công việc.

Sống 3 tháng trong vũ trụ, già đi 40 tuổi

Hiện 6 nhà du hành vẫn đang tiếp tục làm việc trên trạm ISS, trong khuôn khổ chương trình lưu lại một năm trên không gian. Đây sẽ là nhiệm vụ dài nhất trong lịch sử 15 năm của ISS.

Xem clip

NASA và Nga muốn dùng nhiệm vụ kéo dài một năm này để kiểm tra sâu hơn những ảnh hưởng của trạng thái không trọng lượng tới thể chất và tinh thần con người, cũng như tìm ra các biện pháp ứng phó để giảm thiểu tác động bất lợi.

Trong một thập niên tới, NASA có ý định đưa các nhà du hành vào xa hơn trong không gian, lên một phòng thí nghiệm trị giá 100 tỷ USD, quay quanh Trái đất ở quỹ đạo chừng 400km. Đây sẽ là bước chuẩn bị cho mục tiêu dài hơi hơn đó là đưa người lên sao Hỏa vào những năm 2030.

Dù vậy, rủi ro về sức khỏe với các nhà du hành sẽ tăng lên khi họ sống lâu trong trạng thái không trọng lượng. Nó có thể gây tình trạng thoái hóa xương, tăng sự suy giảm các khoáng chất cấu thành xương, dẫn tới nguy cơ bị gãy xương một khi họ trở lại trái đất. Các sợi cơ của nhà du hành cũng có thể teo lại, khiến họ suy giảm thể lực.

Nếu sống 5 tháng trong không gian, họ có thể bị mất tới 40% cơ và 12% khối lượng xương, tương tự như một người 20 tuổi trở thành 60 tuổi trong thời gian chỉ 3 tháng.

Thường phải mất một năm để xương của họ phục hồi, và cũng cần đến một chương trình trị liệu đặc biệt.

Ngoài ra, việc tiếp xúc nhiều với phóng xạ trong không gian cũng khiến các nhà du hành có nguy cơ cao mắc ung thư và các bệnh về thoái hóa.

Thanh Tùng

Theo Telegraph

 

Nhà du hành Nga lập kỷ lục sống trong không gian lâu nhất - 2