1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhà báo tạp chí TIME nhớ về đồng nghiệp Phạm Xuân Ẩn

Chiến tranh Việt Nam đã sản sinh ra những câu chuyện và những con người lạ kỳ. Nhưng chẳng có ai giống với nhà báo Phạm Xuân Ẩn. Cuộc đời bí mật làm điệp viên cho Hà Nội của ông chỉ được hé lộ sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ.

Trong suốt thời gian trước đấy, ông đơn giản chỉ được biết đến là một cộng tác viên tài giỏi cho mảng chiến tranh Việt Nam của tạp chí TIME.

Ông Ẩn qua đời hôm thứ Tư (20/9) ở tuổi 78 tại Thành phố Hồ Chí Mình. Stanley Cloud, Trưởng văn phòng đại diện của TIME ở Washington từ năm 1989 tới 1993, đã làm việc với ông Ẩn trong khoảng thời gian 1970-72. Cloud từng là Trưởng Văn phòng đại diện Sài Gòn của báo từ mùa hè năm 1971 tới tháng 12/1972. Nhà báo kỳ cựu này đã viết bài dưới đây để tưởng nhớ ông Phạm Xuân Ẩn, người đồng nghiệp say mê nghề báo và yêu quê hương đất nước.

Ông ấy đã có một cuộc đời mà không ai trong chúng ta biết cả, một cuộc đời liên quan tới mực hóa học và vi phim, và tới những đường hầm ở Củ Chi. Ông có một chức vụ (khi ấy là đại tá, và là thiếu tướng khi ông qua đời) và một dãy số. Song đối với chúng tôi, những người từng làm việc cận kề bên ông, với tôi là 3 năm, Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hạng nhất, có những nguồn tin tốt trong chính phủ miền Nam Việt Nam và có hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa lịch sử và chính trị của cuộc chiến Việt Nam hơn tất cả chúng tôi. 

Ông còn là một học giả Nho giáo. Trong căn phòng nhỏ bé của ông tại trụ sở báo TIME trên tầng 2 của Khách sạn Continental Palace ở Sài Gòn có những chồng tài liệu, báo cáo, báo chí xếp cao gần chạm trần nhà. Vậy mà bất cứ tài liệu nào ông cũng đều nắm rõ vị trí của chúng. Ông hay hút thuốc, ít uống rượu, luôn miệng cười và thường lái chiếc Renault nhỏ. Tôi tưởng mình biết rất rõ về ông nhưng không phải thế.

Ngay trên chiếc máy tính trong phòng của tôi tại nhà riêng có đặt một tấm ảnh của ông Ẩn và tôi chụp hồi năm 1990 trong lần đầu tiên chúng tôi hội ngộ kể từ sau chiến tranh. Chúng tôi chụp trên đường vào nhà ông ở Sài Gòn, vẫn như ngày xưa, ông mặc quần rộng thùng thình và chiếc sơmi trắng. Chiếc Renault nhỏ bé của ông đã hỏng từ lâu nằm phía sau chúng tôi phủ đầy bụi thời gian. Chúng tôi đã dành trọn một buổi chiều để ôn lại quá khứ - của ông và của tôi - và hiện tại. Từng là một nhà báo, ông Ẩn quan tâm sâu sắc tới nền kinh tế của Việt Nam và về nạn tham nhũng lan tràn.  

Khi cuộc đời điệp viên của ông được tiết lộ, ông nói: "Tôi luôn cố gắng nói với các bạn sự thật”. Tôi tin ông. Vì thế, tôi nhớ tất cả những lần - đặc biệt là trong thời kỳ Henry Kissinger thuyết phục miền Nam Việt Nam chấp nhận tuyên bố “Hòa bình trong tầm tay” - khi ông Ẩn giúp chúng tôi tránh được việc đưa tin về những điều không đúng sự thật.

Ông luôn nói rằng lý do mà những người cộng sản giành được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Việt Nam chính là họ là lực lượng duy nhất chiến đấu hiệu quả suốt nhiều năm chống lại sự chiếm đóng và thế lực nước ngoài: chống Nhật trong Thế chiến II, chống Pháp trong một thập niên sau đó và chống Mỹ. - Gì nữa? - “Xây dựng đất nước” trong hơn 20 năm.

Ông Ẩn trưởng thành trong những năm cuối của Thế chiến II và ông được “nhiều nhân vật” ở Sài Gòn - từ Edward Lansdale của CIA (người đã thu xếp cho ông Ẩn đi học báo chí ở trường Orange Coast, California những năm cuối 1950) tới ông Mười Hương của phía cộng sản (người trở thành tổ chức đầu mối của Phạm Xuân Ẩn sau khi ông trở về Việt Nam) - chú ý và đỡ đầu.

Nhưng tôi nghĩ họ chắc chắn không thể hiểu về ông Ẩn nhiều như chúng tôi, những nhà báo, sau này. Ông – trên tất cả, kể cả nghề báo – là một người dân tộc chủ nghĩa; trên tất cả, ông yêu Việt Nam. Ông mến những người Pháp, những người Mỹ mà ông biết và nói tiếng nước họ rất giỏi song ông không muốn đất nước mình bị Pháp hóa hay Mỹ hóa.

Trong chiến tranh, một trong những đồng nghiệp của tôi nói với tôi: “Tôi nghĩ Phạm Xuân Ẩn là điển hình hoàn hảo tốt đẹp nhất trong xã hội Việt Nam”. Tôi cũng đã cảm thấy vậy. Tôi vẫn cảm thấy vậy.

Theo Thanh Hảo
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm