Bình luận cuối tuần:
Nguyên nhân biểu tình chống chiến tranh Iraq "thiếu lửa"
(Dân trí) - Phong trào phản đối cuộc chiến tại Iraq hiện nay ở Mỹ tương đối mạnh và bền bỉ nhưng lại không gây được sự chấn động như nó đã từng tạo ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nguyên nhân là vì đâu?
Theo các nhà hoạt động và các sử gia, khác biệt lớn nhất giữa hai phong trào chống chiến tranh tại Iraq và Việt Nam là Mỹ hiện đã bỏ chế độ quân dịch.
Ngày nay, giới trẻ ở độ tuổi đại học không còn phải đối mặt với đe dọa bị cưỡng bách tòng quân để tham gia cuộc chiến tại Iraq.
Frida Berrigan, một thành viên thuộc Liên đoàn Những người phản đối chiến tranh và là con gái của nhà hoạt động hòa bình đã quá cố Philip Berrigan, nói: "Chúng tôi không có được sự đoàn kết, cứng rắn và các cuộc biểu tình ngày nay cũng không lớn bằng các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam trước đây bởi chế độ quân dịch hiện đã được bãi bỏ".
Kể từ ngày 17/3/2007, các cuộc biểu tình kỷ niệm bốn năm diễn ra cuộc chiến tranh tại Iraq đã bắt đầu được tổ chức tại hàng trăm cộng đồng trên khắp nước Mỹ, hơn 100 người đã bị bắt. Tuy nhiên, tại nhiều thành phố làn sóng biểu tình chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ và không hề có dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình này có tác động tới chính sách quốc gia.
Đối với cả cuộc chiến tại Iraq và Việt Nam, công luận dần dần thay đổi cho đến khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy có nhiều người phản đối chiến tranh hơn là ủng hộ. Ở mỗi cuộc chiến, những người phản đối đều chỉ trích quyết tâm của Nhà Trắng trong việc theo đuổi chiến tranh bất chấp những nghi ngờ về tính chính đáng của nó.
Nhưng tại cuộc chiến Iraq, bên cạnh việc bãi bỏ chế độ quân dịch còn có những khác biệt rất quan trọng khác: 1. Tại Iraq, số lính Mỹ thiệt mạng cho tới nay chỉ mới hơn 3.000 người, kém xa so với 58.000 trong cuộc chiến Việt Nam; 2. Thiếu sự xung đột giữa các thế hệ vốn đã tiếp sức cho các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam; 3. Thời nay, nhiều lãnh tụ chống chiến tranh không muốn hủy hoại hình ảnh của quân đội.
Giáo sư lịch sử David Schmitz, trường Đại học Whitman, bang Wasinhton nói: "Ngày nay, nhiều người phản đối cuộc chiến tại Iraq lo ngại rằng họ sẽ bị coi là những kẻ chống lại quân đội".
Ông James Carafano, một cựu binh và là một chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Viện Heritage nói: "Trong thời gian xảy ra chiến tranh Việt Nam, quân đội bị coi thường. Ngày nay đang có một nỗ lực nghiêm túc nhằm không làm xấu đi hình ảnh của quân đội".
Theo Thượng nghị sĩ John Kerry, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, việc bãi bỏ chế độ quân dịch đã có ảnh hưởng rất lớn và là nguyên nhân chính dẫn tới phong trào phản chiến ngày nay trở nên kém quyết liệt và không gây được ảnh hưởng sâu rộng.
Kiến Văn