1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguyễn Ái Quốc và “duyên nợ” ở Hồng Kông

(Dân trí) - “Tôi sẽ bào chữa cho ngài vì niềm vinh dự, không phải vì tiền” - Đó là câu trả lời của vị luật sư nổi tiếng người Anh Frank Loseby với Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông cách đây 79 năm, khi biết Người bị bắt vì những hoạt động yêu nước.

 

Xin giới thiệu với độc giả bài viết của Laura Lam cho DTInews, trang tiếng Anh của báo Điện tử Dân trí, về bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hồng Kông, nơi Người đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ cảm động khi phải đối mặt với lệnh dẫn độ và khả năng bị tử hình:
 
Nguyễn Ái Quốc và “duyên nợ” ở Hồng Kông - 1
Frank Loseby
 

Năm 1932, Hồ Tùng Mậu đã gặp Frank Loseby, một luật sư người Anh xuất chúng, nổi tiếng có lòng thương người và tính tình chính trực. Luật sư này vài năm trước đã từng bảo vệ một người Việt Nam có trường hợp tương tự, nên nắm rất rõ tình hình ở Đông Dương. Ông đã gật đầu với trường hợp của Nguyễn Ái Quốc. Ông đã gặp thân chủ và lập tức cảm thấy đặc biệt tôn trọng người đàn ông này. Ông nói với Nguyễn Ái Quốc rằng một trong những đồng sự của ông đã đại diện cho Tiến sĩ Tôn Trung Sơn khi ông này bị bắt và bị giam giữ ở London vì những hoạt động chính trị. Nguyễn Ái Quốc rất lo lắng về việc không có tiền để chi trả cho luật sư. Nhưng Loseby nói: “Tôi biết ngài là nhà lãnh đạo của phong trào cách mạng Việt Nam. Tôi sẽ bào chữa cho ngài vì niềm vinh dự, chứ không phải vì tiền”.

 

Thực dân Pháp đã đưa ra bằng chứng đầy đủ để “hợp pháp hóa” lệnh bắt giữ Nguyễn Ái Quốc. Tại Tòa án Dân sự Tối cao ở Hồng Kông (khi đó là thuộc địa của Anh), chúng đã buộc tội ông “âm mưu lật đổ chính phủ Vương Quốc Anh”. Trước tiên, luật sư Loseby chỉ ra rằng Tống Văn Sơ (tên của Hồ Chủ Tịch khi đó) đã bị bắt vào ngày 6/6/1931, nhưng lệnh bắt lại được ký ngày 12/6 năm đó. Ông cũng lập luận rằng nếu Tống Văn Sơ bị bắt và bị dẫn độ về Đông Dương (khi đó còn là thuộc địa của Pháp), thì chắc chắn ông sẽ bị tử hình.

 

Thực dân Pháp chắc mẩm rằng nhà cầm quyền Hồng Kông sẽ giao Nguyễn Ái Quốc cho chúng. Ngày 24/8/1931, văn phòng Sở Liêm phóng Pháp tại HàNội đã gửi điện vào Sài Gòn thông báo rằng Nguyễn Ái Quốc sẽ rời Hồng Kông vào ngày 1/9 trên con tàu GeneralMetzinger. Hai cảnh sát được được giao nhiệm vụ áp tải Nguyễn về Việt Nam.


Sau 9 phiên tòa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10/1931, Tống Văn Sơ không bị tuyên phạm bất kỳ tội danh nào. Tòa án Dân sự Tối cao đã ra phán quyết trả tự do cho ông. Tuy nhiên, ông không được phép lưu lại Hồng Kông. Nguyễn Ái Quốc đã tự yêu cầu cho phép ông tạm thời đến Anh.


Pháp tiếp tục gây áp lực buộc chính quyền Hồng Kông trục xuất nhà cách mạng Việt Nam. Trước đó, chúng đã loan báo khoản tiền thưởng tới 75.000 đồng Đông Dương cho bất kỳ ai có thể bắt giữ Nguyễn Ái Quốc và giao nộp ông cho chúng. Trong khi đó, Sở Liêm phóng Pháp đã yêu cầu mật vụ “Pinot” của chúng cung cấp thông tin về các đảng viên trong tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội bị bắt ở Canton (Trung Quốc). Chúng cho rằng những người Việt Nam này có thể đã có liên lạc với Nguyễn Ái Quốc. “Mật vụ Pinot” chính là Lâm Đức Thụ (tức Nguyễn Công Viên), một thành viên của Thanh niên Cách mạnh Đồng chí Hội, người đã phản bội Nguyễn Ái Quốc và khiến ông bị bắt vào ngày 6/6.


Luật sư Frank Loseby quyết định đấu tranh với vấn đề dẫn độ bằng cách đưa vụ này lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh ở London.

Ngày 12/9/1931, La Prade, Tổng lãnh sự Pháp tại Hồng Kông, đã gửi điện cho Bộ Ngoại giao ở Paris. Thư viết: “Tòa án Tối cao, sau khi tuyên bố lệnh dẫn độ có hiệu lực vào sáng nay, đã cho phép Nguyễn Ái Quốc, theo như yêu cầu mà ông đưa ra hôm qua, được kháng án lên Hội đồng Cơ mật ở London. Theo những gì tôi hiểu thì quyết định này sẽ không được thực thi trước 1 năm và trong khoảng thời gian này, Nguyễn Ái Quốc sẽ vẫn bị giam giữ ở đây”.


Ngay sau đó, Frank Loseby đã có một tuyên bố công khai về Nguyễn Ái Quốc: “Tôi muốn cho tất cả các ngài biết rằng thân chủ của tôi là một người có trình độ học vấn cao. Vì nhiều lý do, tôi là người duy nhất ông ấy có thể tin tưởng. Do lý do nhân đạo, tôi thường đến thăm ông và giữa chúng tôi đã nảy sinh tình bạn thân thiết. Vì vậy, nếu Nguyễn Ái Quốc bị dẫn độ sang Pháp để bị xử tử, hoặc nếu mật vụ Pháp ám sát ông, thì đó sẽ là mất mát lớn với cá nhân tôi”.


Phu nhân của luật sư Frank Loseby, bà Rosa, rất đồng cảm với tình cảnh của Nguyễn Ái Quốc. Bà và con gái là Patricia thường đi thăm ông tại nhà tù Victoria mỗi chiều thứ Bảy. Đầu tháng 11/1931, bệnh lao tái phát và Nguyễn Ái Quốc bị ốm nặng. Ông được nhập viện dành cho tù nhân. Bữa ăn trong tù chỉ có rau vào buổi sáng và cháo trắng ăn với cá mắm vào buổi chiều đã khiến ông càng thêm yếu. Frank Loseby đã bố trí để ông có thể dùng bữa mỗi ngày qua một nhà ăn của Tàu ở khu vực đó. Nguyễn Ái Quốc vẫn phải lưu lại bệnh viện này trong hơn một năm.


Rosa Loseby và con gái vẫn tiếp tục các chuyến thăm Nguyễn. Mỗi tuần, họ mang tới cho ông những đồ dùng thiết yếu và một bó hoa lớn. Nguyễn đặc biệt vui mừng mỗi khi đón nhận bó hoa. Vẻ đẹp và hương thơm thanh khiết của những bó hoa tươi đã làm ông cảm động. Hoa đã trở thành bầu bạn của ông, giúp ông quên đi cái lạnh lẽo và điều kiện sống khắc nghiệt trong xà lim biệt lập. Trong nỗi khát khao được thoát khỏi nơi giam cầm ngột ngạt, chính những bó hoa này đã giúp Nguyễn Ái Quốc hòa mình trong tưởng tượng với thiên nhiên thanh bình quanh mình, với những vườn cây trái, với những ngọn gió trong lành.


Một hôm, khi qua Chợ Trung tâm mua hoa, bà Rosa Loseby đã gặp phu nhân của Bộ trưởng Thuộc địa Anh Quốc tại Hồng Kông. Hai người phụ nữ đã nói chuyện và vị phu nhân đã quyết định đến bệnh viện với Rosa Loseby. Ngay cuộc gặp đầu tiên, bà đã đặc biệt ấn tượng với khả năng nói tiếng Anh trôi chảy của người tù nhân đặc biệt cũng như phong thái giao tiếp của ông. Bà rơi nước mắt khi nghe kể về những thử thách mà con người này phải trải qua. Khi bà trở về và kể lại với chồng về chuyến đi đến bệnh viện,  ngài Bộ trưởng Thuộc địa đã quyết định gặp người tù gây tò mò này. Cuộc gặp đã giúp thay đổi số phận của Nguyễn Ái Quốc.


Vào cuối năm 1931, Hoàng thân nhà Nguyễn là Cường Để khi đó đang sống lưu vong ở Nhật Bản đã gửi cho Nguyễn Ái Quốc một bức thư bày tỏ tấm thịnh tình và 300 yên để giúp ông chi trả tiền chữa bệnh.

Trong một năm ròng đợi quyết định của Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh, Nguyễn Ái Quốc đã phải đương đầu với nỗi tuyệt vọng và sự cô độc bằng cách tự đắm mình vào những trang viết. Ngoài những bài thơ, ông còn dành thời gian viết một quyển sách. Đó là những trang viết đậm triết lý về những thách thức lớn trong cuộc sống và nỗi khổ cực trong đời người, toàn bộ đều bằng tiếng Anh.

 

Việt Hà

Dịch